Bài đăng nổi bật
DẤU ẤN CỦA TINH THẦN MỸ HỌC SINH THÁI TRONG TRIẾT THUYẾT LÃO TRANG
1. Khi bàn về “ Sinh thái học trong những nền văn minh cổ ”, Johnson Donald Hughes đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thờ...
Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020
BIỂU TƯỢNG NÚI TRONG TÂM THỨC VĂN HOÁ CỦA CƯ DÂN AN GIANG
Núi không chỉ góp phần tạo nên nét khác biệt về địa hình, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên mà còn là một nhân tố luôn cần được quan tâm khi tìm hiểu những biến thiên lịch sử- kinh tế- xã hội có ý nghĩa quyết định cho diện mạo và tiến trình phát triển của tỉnh An Giang. Từ góc nhìn địa- văn hóa, núi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng, tác động, góp phần định hình những nét văn hóa đặc sắc mà dấu ấn của chúng đến nay vẫn còn in đậm trong kho tàng huyền thoại dân gian, trong các di tích đình chùa miếu mạo, các tập tục nghi lễ, tín ngưỡng,.. ở An Giang.
Nhà bia, Lăng Thoại Ngọc hầu, Núi Sam, Châu Đốc, An Giang |
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ An Giang mới có được vị
trí của một vùng bán sơn địa với địa hình đa dạng, hệ sinh thái và cảnh quan
thiên nhiên phong phú. Vì là điểm đầu nguồn của sông Cửu Long, nơi tách ra hai
dòng Tiền, Hậu nên An Giang vẫn mang những đặc điểm địa hình phổ biến của vùng
châu thổ với cơ man cồn bãi, cù lao, kênh rạch cùng nguồn lợi thủy sản dồi dào
và những cánh đồng lúa màu mỡ, mỗi năm được bồi đắp thêm phù sa nhờ mùa nước nổi.
Sự khác biệt chính là núi, một điểm nhấn trong tổng thể cảnh quan thiên nhiên,
một bộ phận trong cấu trúc hệ sinh thái đa dạng, một nhân tố luôn cần được quan
tâm khi tìm hiểu những biến thiên lịch sử- kinh tế- xã hội có ý nghĩa quyết định
cho diện mạo và tiến trình phát triển của đất An Giang. Từ góc nhìn địa- văn
hóa, núi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng, tác động,
góp phần định hình những nét văn hóa đặc sắc mà dấu ấn của chúng đến nay vẫn
còn in đậm trong kho tàng huyền thoại dân gian, trong các di tích đình chùa miếu
mạo, các tập tục nghi lễ, tín ngưỡng,.. phát triển mạnh mẽ và phức tạp trên
vùng đất được mệnh danh là tiền đồn của quốc gia dưới triều Nguyễn, cái nôi của
những đạo phái nội sinh, không gian sinh tồn, cộng cư và hỗn dung văn hóa của
nhiều tộc người. Trong tâm thức của cư dân An Giang, núi là một biểu tượng mà
các hàm nghĩa của nó vừa có giá trị ở một thời điểm nhất định vừa được lưu giữ
và phát triển theo chiều dọc của lịch sử văn hóa bằng cách xuất hiện trong nhiều
ngữ cảnh văn hóa khác nhau ở những thời đại khác nhau nhưng bao giờ cũng gợi nhắc
những cơ tầng văn hóa cổ xưa. Vì vậy, muốn tìm hiểu nguồn cội, bản chất, ý
nghĩa của biểu tượng này, rất cần phải đặt nó trong không gian văn hóa mà nó tồn
tại và hẳn nhiên, việc xác định ý nghĩa, vị trí, vai trò của biểu tượng này
trong tâm thức văn hóa của cộng đồng cũng hứa hẹn sẽ góp phần lý giải nguyên
nhân phát sinh, phát triển của những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của cư
dân An Giang.
1.
Núi- một chặng đường gian nan trong hành trình khai phá đất phương Nam.
Trong Tìm hiểu đất
Hậu Giang và lịch sử đất An Giang, Sơn Nam cho biết: Vì “người
bình thường thích sống nơi sông sâu nước chảy phía Tiền Giang” nên trong thực
tế, việc chiêu mộ lưu dân về khai khẩn An Giang vào buổi đầu gặp rất nhiều khó
khăn, phải “có sự cưỡng bức, đưa tù phạm
từ miền Trung và các tỉnh của Nam bộ đến lập đồn điền hoặc bắt buộc quân sĩ đến
canh tác nhằm tự túc về lương thực. Mặt khác còn những người tự nguyện đến, họ
muốn sống dọc ngang một cõi, trước kia từng làm tá điền ở Tiền Giang hoặc từ miền
Trung bị bóc lột thậm tệ. Lại còn những người Việt lưu lạc ở Campuchia về lập
nghiệp. Thêm một số người khó kiểm soát: người Hoa, người Xiêm, người Lào, người
Chăm, vài nhóm người Việt từ miền Trung vào tị nạn. Họ theo đạo Thiên Chúa muốn
tìm vùng đất riêng để sinh sống, dễ bề tấn thối khi sự đàn áp trở nên căng thẳng
tùy giai đoạn. Trước tình hình phức tạp về chính trị, kỹ thuật canh tác lạc hậu,
thiếu vốn đầu tư, người xưa đã qua nhiều vấp váp để xây dựng đất An Giang”
(Sơn Nam, 2015, p.180). Khó khăn, vấp váp trước hết bởi vì mấy trăm năm trước, đây
là vùng tiền đồn, biên cương, nơi cộng cư của nhiều dân tộc và lưu dân từ nhiều
nguồn khác nhau, lại thường xuyên gánh chịu nhiều rủi ro, chiến tranh, cướp
bóc, dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, khi nói tới những thử thách khắc nghiệt
mà các thế hệ lưu dân Việt đầu tiên phải đối mặt ở vùng đất này, dứt khoát phải
đề cập đến đặc điểm địa hình phức tạp với thế đất “xoay lưng về núi, đeo dài theo sông, nhiều chầm đìa, rừng rú (Nam kỳ địa dư chí, 2019, p.496).
Thế đất An Giang khác biệt so với miệt “sông sâu nước
chảy” ở hạ nguồn sông Cửu Long, nhờ có những ngọn núi cao chớn chở đột ngột nổi
lên giữa vùng đồng bằng, hoặc lẻ loi hoặc kết tụ từng cụm, tập trung ở các khu vực
thuộc ba huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và vùng ven thành phố Châu Đốc. Ngoài
núi Ba Thê, núi Sập, núi Sam, còn có một dãy núi dọc dài theo vùng biên giới
Tây Nam, bao gồm nhiều ngọn núi nhỏ được liệt kê một số ít tiêu biểu trong Đại Nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài
Đức (mục Sơn xuyên chí) như: núi Tà Chiếu, núi Trà Nghinh, Núi Voi (Tượng sơn),
núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khê Lạp, núi Chút, núi Tà Béc, núi Ba Xùi, núi Ất
Giùm, núi Nam Vi, núi Đài Tốn, núi Chơn Giùm, núi Sâm Đăng, núi Đại Bà Đê, Tiểu
Bà Đê... (Trịnh Hoài Đức, 2006, p.66-70). Vì có nhiều ngọn núi nên đến nay cách
hiểu về địa danh Thất Sơn và những ngọn núi nằm trong hệ thống Thất Sơn vẫn còn
chưa thực sự thống nhất. Có người cho rằng Thất Sơn là danh từ để chỉ bảy ngọn
núi tiêu biểu trên đất An Giang, gồm: núi Sam, núi Két, núi Cấm, núi Dài, núi
Tô, núi Tượng, núi Sập (Nguyễn Hữu Hiệp, 2007, p.37-41). Tuy nhiên, lại có người
cho rằng Thất Sơn là tên gọi để chỉ bảy ngọn núi đại diện cho tất cả những ngọn
núi thuộc vùng Tri Tôn và Tịnh Biên, gồm: núi Két (Anh vũ Sơn), núi Cấm (Thiên
Cẩm sơn), núi Tô (Phụng Hoàng sơn), núi Tượng (Liên Hoa sơn), núi Dài Năm Giếng
(Ngũ Hồ sơn), núi Nước (Thủy Đài sơn) và núi Dài Lớn (Ngọa Long sơn) (Hoài
Phương, 2015, p 206).
Không nói đến sự phức tạp của các quan
niệm, chỉ nhìn số lượng các ngọn núi có thể kể tên cũng đủ hiểu được ấn tượng đầu
tiên của những thế hệ lưu dân Việt trong buổi đầu khai phá đất An Giang khi đứng
trước núi, đối diện với một không gian hoang sơ, khắc nghiệt hơn cả những vùng
đầm lầy, lau sậy mịt mùng, “muỗi kêu như
sáo thổi, đĩa lội lềnh tựa bánh canh” mà họ đã từng chinh phục. Chốn núi
cao, rừng sâu vốn tiềm ẩn những thế lực đe dọa có sức mạnh hiểm nguy đáng sợ
khiến cho khó khăn chồng chất thêm khó khăn và nỗi lo âu, cảm giác bất an, ngán
ngại ít nhiều làm chùn bước chân những người đi mở cõi khiến họ phải cố lên
gân, xốc áo, hun đúc tinh thần, động viên nhau vượt qua thử thách bằng những
câu hát dân gian kiểu như:
“Trước ba sông thêm rạng chí
tang bồng
Sau bảy núi chẳng nao lòng
tuấn kiệt”.
Ở
Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ vùng đất An Giang mới có cả một kho tàng huyền
tích phong phú liên quan đến những sức mạnh rừng núi hoang dã mà con người phải
đối đầu trong cuộc chiến khốc liệt “phá sơn lâm, đâm hà bá” để sinh tồn. Cọp Bảy
Núi nổi tiếng nhiều, hung dữ, tinh khôn, có thể hiểu được tiếng người, đặc biệt
là cọp trên núi Bà Đội Om chuyên ăn thịt người. Núi Dài lớn (Ngọa Long sơn) cao
gần 600m, như con rồng nằm vắt qua bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì
thuộc huyện Tri Tôn tương truyền là nơi có rất nhiều cọp dữ. Rắn hổ mây chúa
trên đỉnh núi Cấm thân to như khúc gỗ, mỗi lần cuộn mình di chuyển là gây ra
giông gió. Dưới chân núi Sam, núi Cấm, núi Két có nhiều heo rừng hung dữ tấn
công cả cọp, trong đó, một huyền tích cho biết, con heo đực đầu đàn, to như con
bò, có hai nanh nhọn như lưỡi dao, da dầy như áo giáp, gươm giáo không đâm thủng...
Nỗi khiếp sợ những thế lực núi rừng hoang dã còn in đậm dấu ấn trong cách gọi
heo rừng đầu đàn là “Chúa Chảng”, gọi rắn hổ mây khổng lồ là “ông Mây”, gọi cọp
đầy thành kính là “Ông Thầy”, “Ông Hùm”, “Ông Ba Mươi”,..; trong huyền thoại về
ma cọp đi theo tiếng chim thiêng hay tiếng kêu than của những oan hồn bị cọp ăn
thịt không thể siêu thoát; trong tập tục thờ cúng chúa sơn lâm, sơn thần, thần
bạch hổ... còn bảo tồn phổ biến tại các di tích đình miếu ở An Giang. Câu đối tại
miếu thờ Bạch Hổ ở đình thần An Hòa (Tri Tôn) được dẫn dưới đây là một trường hợp
tiêu biểu không chỉ thể hiện niềm kính tín của cư dân với các thế lực tự nhiên
đáng sợ mà còn in dấu tàn tích của nỗi ám ảnh về một không gian rừng núi hoang
sơ, khắc nghiệt trong chiều sâu vô thức cộng đồng thời mở đất
山中威可畏
林上勇能驚
Sơn trung uy khả úy;
Lâm thượng dũng năng kinh .
Trong núi oai đáng sợ
Trên rừng dũng phải kinh[i]
Con người sợ hãi, thành kính trước các
thế lực tự nhiên hoang dã nhưng không lùi bước mà tìm cách hòa nhập, thậm chí
chinh phục những sức mạnh hung bạo của núi rừng bằng chính sự thông minh, tài
năng, sức mạnh dẻo dai, ý chí kiên cường của mình. Dấu ấn của khát vọng chinh
phục thể hiện rất rõ trong những huyền tích thời mở đất liên quan đến những người
tài năng, võ nghệ cao cường, thuật pháp kỳ dị: ông Tăng Chủ hàng phục hổ dữ,
ông Đình Tây được xem là khắc tinh của Sấu Năm Chèo, ông sư bán khoai giết hổ cứu
bạn, cha con võ sư Anh Kiệt và Anh Thư dùng song kiếm giết “chúa chảng” đầu đàn
dưới chân núi Anh Vũ sơn, những ông thầy bắt rắn chuyên dùng phương thuốc bí
truyền và bùa ngãi để cứu chữa người bị rắn độc cắn, cụ Cử Đa tu tiên đắc đạo,
xuất quỷ nhập thần, thỉnh thoảng vẫn cỡi hổ mun thoắt ẩn thoắt hiện trong vùng
Thất Sơn, Tà Lơn,... Không chỉ chinh phục, nhiều nhân vật kỳ bí còn có khả năng
cảm hóa những sức mạnh rừng rú, hoang dã, có thể khiến cho bạch hổ trên núi Cấm
hóa hiền lành, rắn thần trên chùa Hang (Phước Điền tự- Núi Sam) nghe kinh kệ mà
quy y...
Núi non hiểm trở khiến con người hoảng sợ nhưng mặt
khác, chính không gian tiềm ẩn những sức mạnh hoang dã, chứa đựng đầy rủi ro và
những mối đe dọa đó lại là một môi trường thử thách có khả năng kích hoạt bản
năng tự vệ, giúp con người tìm được mọi cách thức ứng xử thích hợp nhất để sinh
tồn khi quyết định dừng chân lập nghiệp trên vùng đất bán sơn địa, rừng núi mịt
mùng. Xét đến cùng, dù biểu tượng núi và sức mạnh đáng sợ của nó luôn in đậm dấu
ấn trong những câu hát dân gian và hàng trăm giai thoại huyễn hoặc liên quan đến
thời mở đất; trong những tập tục, nghi lễ cổ xưa; trong hàng nghìn di tích
đình, chùa, miếu, am, cốc,.. nằm tập trung ở các khu dân cư hay rải rác, trơ trọi
trên những hang động, hốc núi, vách đá cheo leo giữa trùng điệp đại ngàn,...
nhưng vai trò của con người trong công cuộc chinh phục sức mạnh của núi vẫn là
yếu tố quyết định.
2.
Núi- nơi tích tụ khí vượng mạch thiêng, có thể dựng xây nghiệp lớn muôn đời.
Từ xa xưa, núi là một trở ngại trong
hành trình chinh phục thế giới của con người nhưng, ở góc nhìn tích cực hơn, nó
được xem là biểu tượng của sự vững chãi, tính ổn định, bất biến. Trong quan niệm
phong thủy phương Đông, các mạch núi được gọi là long mạch có thể tích tụ nguồn
năng lượng vũ trụ rồi vận hành, lan tỏa khắp nơi như các đường kinh mạch chu
chuyển trong cơ thể vạn vật. Nơi long mạch kết tụ cũng chính là nơi năng lượng
vũ trụ tập trung nhiều nhất, nếu biết khai thác, có thể khơi thông, phấn phát vượng
khí, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, địa hình An Giang không
chỉ có núi mà còn có sông. Núi sông kết hợp tạo thành thế cao sơn thủy thâm, âm
dương hòa hợp, một lợi thế lớn từ góc nhìn phong thủy. Núi có đặc điểm cứng rắn,
ổn định, vững chắc được đặt trong quan hệ với sông (dòng nước) có đặc điểm mềm
mại, lưu chuyển, vận động, biến hóa tạo thành cuộc đất “địa lợi” vừa đảm bảo
căn cơ, nền tảng nương tựa sâu dầy vừa thỏa mãn nhu cầu thay đổi, phát triển để
trường tồn theo nguyên lý đã được đề cập trong Kinh Dịch (thiên Hệ từ hạ, phần
truyện): “Biến tắc thông, thông tắc cửu” (biến đổi tất thông suốt, thông suốt tất
lâu bền).
Nhắc lại quan niệm phổ biến của người xưa để nhấn mạnh
rằng không phải ngẫu nhiên cư dân vùng Bảy Núi luôn tự hào với danh xưng quê
hương mình là vùng đất “Tiền Tam giang, hậu Thất lĩnh”. Trong tâm thức của cư
dân, cuộc đất “núi chầu sông tụ” là một lợi thế vô cùng quan trọng, bởi lẽ, sự
kết hợp của tính chất bền vững, ổn định của núi với tính chất vận động, chuyển
hóa, phát triển của sông nước sẽ giúp cho con người có thể khơi thông được nguồn
năng lượng của khí vượng mạch thiêng, phát huy yếu tố địa lợi để xây dựng cơ đồ
bền chắc, giữ gìn sự nghiệp lâu dài. Quan niệm của cư dân về vai trò quan trọng
của núi và nước trong hành trình khai phá đất An Giang đến nay vẫn còn lưu lại
dấu ấn khá đậm nét trong kho tàng câu đối Hán Nôm tại các di tích tôn giáo, tín
ngưỡng mà những dẫn chứng dưới đây chỉ là vài trường hợp tiêu biểu:
南岸帯三江日映光前清朗派
北原橫七嶺地形裕後最高堅
(Đình Châu Phú- Châu Đốc)
Nam ngạn đới tam giang, nhật
ánh quang tiền thanh lãng phái;
Bắc nguyên hoành thất lĩnh địa
hình dụ hậu[ii]
tối cao kiên.
Bờ bãi phía Nam bọc ba sông, vầng dương tỏa rạng ngời
ánh nước;
Cánh đồng phía bắc ngang bảy núi, thế đất thật cao ráo
vững vàng.
平鄉虎朝河海鐘靈凝壯氣
美村龍脈乾坤毓秀聖絨昭 (Đình Bình Mỹ- Châu Phú)
Bình hương hổ triều hà hải
chung linh ngưng tráng khí ;
Mỹ thôn long mạch càn khôn dục
tú thánh nhung chiêu.
Làng Bình, thế hổ chầu, sông biển tụ hội anh linh
thành tráng khí
Thôn Mỹ, đúng long mạch, đất trời hun đúc vẻ đẹp sáng
xinh tươi.
泰國安邦四下三圻歸西宿
山連水遠雙江七嶺德南天 (Đình Thới sơn- Tịnh Biên)
Thới quốc an bang tứ hạ tam kỳ
quy tây tú;
Sơn
liên thủy viễn song giang thất lĩnh đức nam thiên .
Nước thịnh nhà
yên, bốn hướng ba vùng gom tinh tú
Non liền nước chảy,
hai sông bảy núi đức trời Nam
Mặt khác, “Thất Lĩnh” không chỉ gắn với “Tam giang”
hay “Song giang” mà còn gắn với “Cửu Long” tạo thành cụm từ phổ biến “Thất Sơn
Cửu Long” và trường hợp này có thể là một gợi ý để góp phần lý giải câu hỏi mà
các học giả vẫn thường băn khoăn: Vì sao An Giang có rất nhiều ngọn núi nhưng lại
gọi là Thất Sơn, Thất Lĩnh? Lâu nay, cách giải thích phổ biến, đơn giản và dễ
chấp nhận nhất là dựa vào nguyên lý lựa chọn cái tiêu biểu. Tuy nhiên, vấn đề
còn nằm ở chỗ tại sao sự lựa chọn của người xưa lại là bảy? Phải chăng, trong sự
lựa chọn này còn có sự chi phối bởi một quán tính vô thức khi số bảy được đặt
trong mối tương quan gắn kết với số chín theo kiểu đã “thất” thì phải gắn với “cửu”
và ngược lại để đảm bảo tính chất đăng đối, hoàn hảo của một cấu trúc chắc chắn,
ổn định. Chẳng hạn như: phải là “Thất sơn” (bảy ngọn núi) để gắn kết, tương ứng
với “Cửu long” (chín dòng sông), phải là “Thất tổ” (bảy đời tổ tiên) để gắn kết,
tương ứng với “Cửu huyền” (Chín thế hệ). Từ góc nhìn biểu tượng, 7 là con số tượng
trưng cho “tổng thể không gian và thời
gian” nhờ sự kết hợp của số 4 (bốn phương trời) với số 3 (ba chiều thời
gian) và vì vậy, nó biểu thị sự thức nhận toàn diện, bao quát một “vũ trụ đang vận động”, “một chu kỳ đã hoàn
thành và một sự đổi mới tích cực” (Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, 2015,
p.70). 9 là con số thiêng biểu thị “tính
liên kết của vũ trụ” (Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, 2014, p.180), sự
thống hợp thế giới trong một trật tự ổn định, bền vững trường tồn (Vua Hạ Vũ sau
khi thống nhất Trung Quốc, cho đúc chín đỉnh đồng, tượng trưng cho chín châu
nên có câu nói truyền tụng “có cửu đỉnh
là có cả thiên hạ”). Thật trùng hợp khi dòng Mê Kông đổ vào địa phận Việt
Nam tách thành chín nhánh sông để nhân đó, cư dân An Giang gắn vào con số bảy
ngọn núi, tạo thành cụm từ “Thất Sơn Cửu Long” biểu thị cái nhìn toàn cảnh địa
thế “khí vượng mạch thiêng”, “Chung linh dục tú” (thành ngữ có ý nghĩa là đất
thiêng phát sinh, nuôi dưỡng người tài). Ở đình Bình Thủy (huyện Châu Phú) hiện
nay vẫn còn lưu giữ một câu đối cổ, trong đó, người sáng tác đã khéo léo vận dụng
hai cụm từ “Thất Lĩnh Cửu Long” và “Chung linh dục tú” trong thế tương quan
đăng đối để thể hiện niềm tự hào của cư dân vùng đất kết tụ linh khí, phát sinh
hiền tài:
平定封彊七嶺 當前毓秀
水成土宇九龍對後鍾靈
Bình định phong cương Thất Lĩnh đương tiền dục tú;
Thủy thành thổ vũ Cửu Long đối
hậu chung linh.[iii]
Bình định cương vực, bảy đỉnh núi trước mặt sinh hiền tài
Thủy thành lãnh thổ,
chín dòng sông đối sau tạo đất thiêng
Biểu tượng núi (Thất Lĩnh) hàm nghĩa một vùng đất có
khả năng thu nạp nguyên khí, năng lượng vũ trụ, tích tụ thành linh huyệt, mạch
thiêng gắn với “tam giang” (Tiền Giang, Hậu Giang và sông Vàm Nao), “song giang”
(Tiền giang, Hậu giang) hoặc Cửu Long lưu chuyển, nhuần thấm, sẽ tạo nên nguồn
động lực mạnh mẽ, mang lại sự phát triển, hưng thịnh, tương lai tươi sáng của hồng
đồ, đại nghiệp. Ngược lại, nếu mạch thiêng bị trấn yểm, có thể dẫn đến sự ức chế,
đứt gãy, suy kiệt, hủy hoại. Ở núi Nước (Thủy Đài sơn) hiện vẫn còn lưu truyền
sự tích đức bổn sư Ngô Lợi, người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, phát hiện được
một gốc cây có “ếm độc”. Quyết tâm trấn áp tà ma, khai thông lại mạch thiêng,
ông đã cùng các đệ tử của mình đội khăn ấn, mang rìu búa đến hạ cây, móc rễ và
phát hiện dưới gốc cây độc còn chôn những vật ếm bằng đá, chữ khắc đã phai mờ (Hoài
Phương, 2015, p.54). Các tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở An Giang đến nay vẫn còn
truyền tụng câu chuyện về long huyệt của vùng Thất Sơn bị kẻ thù trấn yểm, phải
nhờ đức Phật thầy Tây An và đệ tử của mình là Quản cơ Trần Văn Thành đi khắp
nơi, tìm các vị trí bị trấn yểm để “phá ếm”. Sau khi hoàn thành, họ đã cắm 5
cây thẻ bằng gỗ lào táo ở bốn hướng và vị trí trung tâm nằm ở hang núi Cấm, còn
gọi là hang ông Thẻ (nay thuộc xã Tân Lợi huyện Tịnh Biên) với mục đích ngăn chặn
sự tiếp diễn của những tác động tiêu cực đến mạch thiêng vùng Thất Sơn. Những
câu chuyện có phần huyền hoặc này, thêm một lần nữa, minh chứng cho ý nghĩa và
vai trò quan trọng của núi trong việc hình thành khí vượng mạch thiêng của vùng
đất nổi tiếng là “chung linh dục tú”, “địa linh nhân kiệt”.
3.
Núi- đại ngàn Thất sơn huyền bí trong đời sống văn hóa tâm linh dân gian.
Huyền
bí và đầy hấp dẫn, đó là đặc điểm phổ biến của các giai thoại dân gian vùng Bảy
Núi nhưng, ấn tượng nhất, kích thích sự hiếu kỳ và ao ước khám phá của người đời
sau nhiều nhất có lẽ là câu chuyện về nhân vật được cư dân An Giang nhắc tới bằng
một cái tên vừa dung dị vừa nghi hoặc mơ hồ: Bác vật Lang. Tương truyền, ông là
người dám dấn thân thám hiểm một hang động sâu thẳm, đầy bí ẩn nhưng khi trở
lên mặt đất, ông tuyệt nhiên im lặng, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào về những
gì mà ông đã nhìn thấy dưới hang sâu và cuối cùng bí mật hang động đó theo ông
về cõi vĩnh hằng năm ông 90 tuổi.
Bóc tách lớp vỏ kỳ
bí đi, chắc hẳn, chúng ta sẽ tim thấy cái lõi của câu chuyện về Bác vật Lang và
nhiều giai thoại thú vị khác liên quan đến một trong những ngọn núi cao nhất ở
An Giang: núi Cấm (Nguyễn Thanh Phương,1985,p.15). Mấu chốt ở đây chính là ấn
tượng đầy ám ảnh của người xưa khi đứng trước núi, ngước mặt nhìn núi. Núi là
điểm cao nhất mà con người thời cổ có thể đạt tới trong hành trình chiếm lĩnh,
khám phá vũ trụ nên những ngọn núi cao ngất, hùng vĩ thường được xem là nơi trời
và đất gặp nhau, là nơi ở của thần thánh và vì vậy, núi “tham
gia vào hệ biểu tượng của cái siêu tại, siêu phàm với tính cách là trung tâm của
những hiện tượng hiển linh trong khí quyển” (Jean Chevalier và Alain
Gheerbrant, 2015, p.699). Núi không chỉ che giấu nhiều điều bí ẩn vượt
ra ngoài sự hiểu biết và trí tưởng tượng con người mà còn tiềm ẩn những hiểm
nguy, bất trắc đe dọa. Chưa có đủ năng lực để khám phá những bí mật mà núi che giấu,
con người xa xưa tìm cách thiêng hóa, thần bí hóa chúng bằng các giai thoại huyền
hoặc, thậm chí biến chúng thành những điều cấm kị. Con người trao cho núi quyền
lực của sự cấm kị, thần bí như một cách thừa nhận sự bất lực trước các thực tại
không thể giải thích đựợc nhưng hóa ra chính những điều cấm kị, huyền hoặc đó lại
tạo nên một động lực thôi thúc niềm khao khát được khám phá, giải thiêng. Trong
tâm thức dân gian, rõ ràng, cái tên Thiên Cẩm sơn mang màu sắc bác học khó có
thể phổ biến bằng cái tên núi Cấm mộc mạc nhưng đầy sức gợi, sức hấp dẫn, bởi lẽ,
sự cấm đoán bao giờ cũng kích thích trí tò mò, khát khao giải mã những điều bí ẩn.
Trường hợp núi Cấm chỉ là một minh chứng tiêu biểu cho sự thức nhận của cư dân
An Giang xưa về không gian đại ngàn Thất Sơn, một môi trường tích tụ những yếu
tố thần thiêng, cấm kị, không thể giải thích được bằng logic thông thường.
Không chỉ ở núi Cấm
mà cả vùng Thất Sơn, rất nhiều nơi vẫn còn lưu truyền những giai thoại, sự tích
nhằm giải thích cho những dấu tích kỳ lạ trên núi cao theo xu hướng thần thiêng
hóa. Theo đó, một vết lõm khổng lồ có thể được hình thành trong muôn vàn chấn động
ngẫu nhiên của quá trình kiến tạo địa chất, qua sự khúc xạ của trí tưởng tượng
phong phú, hóa thành dấu chân tiên, chân Phật; một khoảng trống bằng phẳng trên
núi cao bị mưa gió bào mòn, mài nhẵn lại được thêu dệt thành nơi các vị thần
tiên giáng trần. Núi Két (Anh Vũ sơn) có dấu chân tiên, giếng tiên, sân tiên,..
Núi Cấm có điện Năm Ông gắn liền với truyền thuyết về năm vị thần tiên xuống
chơi ngọn núi này, uống trà đàm đạo, quên cả thời gian trở về trời nên hóa
thành đá. Núi Tô (Phụng Hoàng sơn) tương truyền có nhiều loài chim đẹp trú ngụ,
trong đó, con đầu đàn được gọi là Vương điểu phụng hoàng. Ngoài ra, trên ngọn
núi được xem là đẹp nhất dãy Thất Sơn này cũng có sân tiên, nơi các vị tiên nữ
xưa xuống nhảy múa trong những đêm trăng và cả dấu chân sau của Phật có liên
quan với dấu chân trước của Phật ở núi Cấm. Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn) có
năm cái giếng lạ, mỗi giếng có một loài sen quý hợp thành ngũ sắc gồm xanh, đỏ,
vàng, trắng, tím... Mỗi một ngọn núi trong đại ngàn Thất Sơn gắn liền với cả một
kho tàng huyền tích in đậm dấu ấn tâm thức tôn sùng những ngọn núi thiêng trong
các tập tục tín ngưỡng cổ xưa.
Mặt khác, núi cũng là nơi âm u, sâu thẳm, xa cách cõi hồng trần nên dễ gợi cảm giác thoát tục. Vì vậy, Thất Sơn huyền bí là nơi tìm đến, ẩn thân, gầy dựng, xiển dương đạo phái của các nhân vật hiển linh cứu đời, những ông Đạo Tưởng, Phật Trùm (ông Đạo đèn nổi tiếng chữa bệnh bằng cách đốt đèn sáp cho người ta xem và ngửi khói),.. thậm chí là cả những tướng cướp nổi danh một thời như Đơn Hùng Tín ở Tịnh Biên hay những người có hình dáng kỳ dị như ông Cao ở Nhà Bàng (tương truyền thân hình cao đến 2 thước)... Đây cũng là nơi phát tích của các đạo phái nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương của phật thầy Đoàn Minh Huyên, Tứ Ân Hiếu Nghĩa của đức Bổn sư Ngô Lợi, Phật giáo Hòa Hảo của đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ,.. với triết lý học phật tu nhân, ơn đất nước, ơn tổ tiên, ơn đồng bào, sống Tứ Ân, hành Hiếu Nghĩa... Dựa vào sự linh thiêng, huyền bí của đại ngàn kết hợp với truyền bá đạo pháp và khai thác cả nguồn thảo dược quý hiếm của núi làm phép chữa bệnh, trừ tà khiến cho nhân dân tin tưởng vào năng lực siêu nhiên của mình, các nhân vật hiển linh cứu đời ở vùng Thất Sơn trong một vài thời điểm của lịch sử, đã có thể thu phục được một số lượng rất lớn tín đồ tôn sùng, hưởng ứng, góp phần tạo nên diện mạo phong phú và đặc sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân An Giang.
Khi viết lời
kết cho chặng đường khám phá vùng Tịnh Biên, Tri Tôn trong cuốn sách du ký- khảo
cứu Nửa tháng trong miền Thất Sơn, học
giả Nguyễn Văn Hầu đã khẳng định một cách tâm đắc rằng: “Người ta cho dãy Thất Sơn là một nơi có nhiều sự lạ lùng, nhiều điều bí
ẩn! Chuyện đó chưa biết có thật hay không, nhưng cứ nhìn bộ mặt rừng rú của Thất
Sơn, nghe những câu chuyện truyền kỳ về Thất Sơn, người bình dân tự nhiên đã cảm
nhận về Thất Sơn rồi” (Nguyễn Văn Hầu, 2000, p.183). Không chỉ riêng bộ mặt
rừng rú và những câu chuyện truyền kỳ mà ngay cả trong những câu hát dân gian,
những tập tục, nghi lễ tín ngưỡng cổ xưa, những đình, chùa, miếu, am, cốc,... nằm
rải rác trên các triền núi, trong các hang động hay tập trung dày đặc tại các
vùng di tích nổi tiếng ở An Giang, chúng ta đều thấy bóng dáng của đại ngàn Thất
sơn huyền bí. Đó là một biểu tượng có căn gốc nằm sâu trong tâm thức của những
thế hệ cư dân từ thời kỳ mở đất, còn các mạch rễ ngầm của nó thì hút lấy nguồn
năng lượng dồi dào của vùng đất, tạo thành những hàm nghĩa phong phú và âm thầm
lan tỏa trong muôn mặt đời sống văn hóa của cư dân An Giang.
Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 4. 2020.
Tài
liệu tham khảo
1.
Jean
Chevalier và Alain Gheerbrant (2015), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm
Vĩnh Cư và cộng sự (dịch thuật), Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng.
2.
Trịnh
Hoài Đức (2006), Gia Định thành thông chí , Lý Việt Dũng dịch, TP Hồ Chí Minh, NXB
tổng hợp Đồng Nai.
3.
Nguyễn
Văn Hầu (2000), Nửa tháng trong miền Thất Sơn, TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
4.
Nguyễn
Hữu Hiệp (2007), An Giang, đôi nét văn hóa đặc trưng vùng đất bán sơn địa, TP Hồ
Chí Minh, NXB Phương Đông.
5.
Sơn
Nam (2015), Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch
sử đất An Giang, biên khảo, TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
6.
Nguyễn
Thanh Phương (1985), Những trang về An Giang, Long Xuyên, NXB Văn Nghệ An
Giang.
7.
Hoài
Phương (2015), Văn hóa dân gian vùng Bảy Núi, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.
8.
Quốc
sử quán triều Nguyễn (1973)- Đại Nam nhất
thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt, tập Hạ (An Giang- Hà Tiên)- Tu Trai Nguyễn
Tạo dịch, Sài Gòn, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa.
9.
Trần
Thành Trung (Sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu) (2019), Nam kỳ khảo lược, phần Nam
kỳ lục tỉnh địa dư chí của Thượng Tân Thị đăng trên Đại Việt tập chí, Huế, NXB
Thuận Hóa.
[i] Dữ liệu văn bản
câu đối tại các di tích được giới thiệu trong bài viết đều là kết quả khảo sát
thực địa trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu sưu tầm di sản Hán Nôm An Giang phục
vụ bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch” (2017- 2018) do PGS.TS Nguyễn Kim
Châu chủ trì đề tài. Tất cả bản phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa trong bài là của
người viết. Khi dịch, người viết đã cố gắng thoát ý để thể hiện phần nào tính
chất đăng đối, vẻ đẹp thẩm mỹ đặc trưng của câu đối cổ.
[ii] Câu đối sử dụng phép chơi chữ bằng cách tách thành ngữ “Quang tiền dụ hậu” (Sáng ngời đời trước,
giàu có đời sau) ở hai vế đối xứng.
[iii] Thành ngữ Chung linh dục tú, nghĩa là đất thiêng sinh hiền tài
HÌNH TƯỢNG QUAN CÔNG QUA CÂU ĐỐI TẠI CÁC CHÙA MIẾU NGƯỜI HOA Ở AN GIANG
Tượng Quan Công ở Quan Thánh miếu- TP Long Xuyên- An Giang |
Mấy trăm năm qua, sự tồn tại của các hội quán, chùa,
miếu người Hoa không chỉ in đậm một dấu ấn riêng, độc đáo trong bức tranh đa sắc
của vùng văn hóa Nam Bộ mà còn đóng góp một nguồn dữ liệu có giá trị nhất định
trong việc phác thảo diện mạo của nền văn chương Hán học non trẻ trên vùng đất
mới, đó là hệ thống câu đối tại các di tích. Vẻ đẹp chân phương hay bay bổng,
phóng khoáng của những con chữ tượng hình được chạm khắc, sơn son, thếp vàng, sắp
xếp cân đối, hài hòa trên cột đá, xi măng hoặc gỗ quý tạo nên một phần hồn cốt
mà thiếu chúng, các di tích tín ngưỡng người Hoa chắc chắn sẽ mất đi ít nhiều
không khí tâm linh, cổ kính hay nét phong tục tập quán đặc sắc của cư dân. Qua
những cụm từ, câu văn mang tính chất đối ngẫu, ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh,
âm điệu, chuyển tải nội dung gửi gắm niềm kính ngưỡng, ước vọng, ngợi ca những
hình tượng thần thiêng âm phù cho con người trong quá trình di dân, định cư và
phát triển, chúng ta cũng có thể tái hiện phần nào những sự kiện, biến động lịch
sử; ít nhiều phục dựng được chân dung, tính cách, đời sống tâm hồn của các thế
hệ Hoa kiều, Khách trú thời mở cõi. Một trong những hình tượng phổ biến được cư
dân tôn sùng, thành kính cũng như được miêu tả khá sinh động trong hệ thống câu
đối tại các chùa, miếu người Hoa ở Nam bộ nói chung và ở An Giang nói riêng
chính là hình tượng Quan Công.
2. Bằng nhiều con đường khác nhau và do những nhu cầu
thực tiễn khác nhau, Quan Vũ- sinh năm 162 mất năm 219[4], tự
là Vân Trường, các dân tộc Hoa, Việt thường gọi là Quan Công- từ trong chính sử đã được dân gian hóa, tiểu
thuyết hóa, huyền thoại hóa rồi cuối cùng là được thần thiêng hóa ngay trên đất
nước sản sinh ra nhân vật này và trong quá trình hội nhập của văn hóa người Hoa
vào vùng văn hóa Nam bộ cách đây mấy thế kỷ. Các nhà viết sử có cái nhìn khách
quan như Tư Mã Quang không đề cao Quan Công bởi, bên cạnh những chiến công lẫy
lừng được ghi nhận trong chính sử như giết Nhan Lương, bắt sống Vu Cấm và Bàng
Đức.., ông cũng có những lần thất bại vì kiêu binh, chủ quan như: bại trận khi
đối đầu với Lý Thông; bị Nhạc Tiến và Văn Sính đánh lui ở gần Hạ Khẩu; lại bị
Văn Sính dùng thủy quân truy đuổi ở Tầm Khẩu, cướp kho lương và đốt sạch chiến
thuyền… Theo chính sử, Quan Công cũng là người có trách nhiệm không nhỏ trong
việc để mất Kinh Châu dẫn đến cơ đồ nước Thục tiêu tan.
Tuy nhiên, khi bước vào chuyện kể của thuyết thư dân
gian và sau đó, được tiểu thuyết hóa trong Tam
quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, các nhược điểm của nhân vật từ góc
nhìn chính sử bị che khuất, lược bỏ hoặc được khéo léo biện minh, các ưu điểm,
chiến tích được tô đậm, thậm chí phóng đại qua lời kể dân gian bị chi phối bởi
tâm lý cực đoan và ngòi bút sáng tạo đầy chủ ý của nhà văn[5]. Theo
đó, người bình dân đặc biệt xúc động, phấn khích, ngưỡng mộ với những trường đoạn
được hư cấu, không có trong chính sử như: Quan Vân Trường qua năm ải chém sáu
tướng; đưa Cam, My phu nhân dặm trường tìm anh, nửa đêm chong đèn đọc sách, giữ
cửa cho hai chị để bảo toàn lễ tiết; chặt đầu Sái Dương chỉ trong một hồi trống
trận, sẵn sàng bỏ qua quân lệnh mà tha chết cho Tào Tháo trong đại chiến Xích
Bích… Trong tâm thức dân gian, Quan Công trở thành hiện thân của người anh hùng
đởm lược, khí khái can trường, trung, hiếu, tín, nghĩa, tài đức vẹn toàn. Ông
cũng là biểu tượng cho những phẩm chất cao quý, vẻ đẹp nhân cách lý tưởng đáng
tôn vinh như sự chính trực, công minh, đức hi sinh, lòng chung thủy, khoan
dung,..
Các huyền thoại được sáng tạo trên cơ sở tầm phổ
quát của một hình tượng mang tính chất lý tưởng, cuối cùng được thần thiêng hóa
để đáp ứng cho những nhu cầu phong phú trong đời sống vật chất và tâm linh.
Tương truyền, sau khi mất, ông được lập miếu thờ. Đến đời Tống, ông được phong
tước công rồi tước vương. Đời Minh, ông được phong hiệu Quan Thánh Đế Quân. Nho
giáo xem Quan Công là một vị thánh, tôn xưng ông là một trong Ngũ Văn Xương.
Ông cũng được mệnh danh là Sơn Tây phu tử. Dân gian Trung Quốc có câu nói: Ở Sơn Đông có một người làm kinh Xuân Thu
(chỉ Khổng Tử). Ở Sơn Tây có một người
xem kinh Xuân Thu (chỉ Quan Công). Đó là do lời truyền, lúc sống, Quan Công
rất thích đọc kinh Xuân Thu. Đạo giáo xem Quan Công là một trong tứ đại Nguyên
soái của Thượng đế. Phật giáo xem Quan Công là vị thần Già Lam, hộ pháp giữ
chùa. Trong phong trào Thiên Địa hội thời Càn Long, Quan Công được người dân
tôn xưng là vị thần đứng đầu trong Ngũ Công Vương Phật.
Trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa ở Nam bộ nói
chung và An Giang nói riêng, Quan Công là vị thần quan trọng được thờ phượng tại
các chùa miếu và gia đình. Cư dân xem ông là biểu tượng của tinh thần trung liệt,
tín nghĩa, một chỗ dựa tâm linh được kính tín tuyệt đối, có thể tạo nên sự kết
nối thiêng liêng trong cộng đồng. Trong mỗi gia đình người Hoa, ông còn được thờ
phụng với tư cách là một vị võ tài thần phù hộ việc kinh doanh hay một vị thần bản
mệnh phù hộ cho người đàn ông lớn tuổi; lại có thể xua đuổi tà ma, ám khí từ
bên ngoài xâm nhập vào nhà khi ông được thờ trong hình tượng cầm Thanh Long
đao, mũi đao hướng ra ngoài.
3. An Giang hiện còn một số di tích chùa, miếu thờ
Quan Công như: Bắc Đế miếu, Quan Đế miếu, Quan Thánh miếu, chùa Quan Đế (Long
Xuyên), Quan Đế miếu, Quan Thánh miếu (Châu Phú) Quan Đế cổ miếu, Quan Đế miếu
(Tân Châu), Quan Thánh miếu (Chợ Mới), Quan Đế Thánh miếu (Phú Tân), miếu Quan
Thánh (Châu Đốc). Trong số đó, các miếu thờ Quan Công ở Long Xuyên và Châu Đốc
còn lưu giữ nhiều câu đối có giá trị văn chương và giá trị nghệ thuật điêu khắc,
thư pháp đáng chú ý[6].
Qua các văn bản này, Quan Công được khắc họa khá sinh động vừa trong hình tượng
của một vị thần tối thượng có sức mạnh thiêng liêng, hiển hách âm phù cho cư
dân, vửa trong hình tượng của một người anh hùng mang vẻ đẹp và những phẩm chất
lý tưởng đáng ngưỡng mộ, noi gương.
Trong
các chùa, miếu thờ Quan Công ở An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long
nói chung, chân dung của ông được miêu tả theo một công thức phổ biến: mặt đỏ,
mắt sáng, chân mày xếch, râu dài, năm chòm suôn đuột, mặc áo bào xanh, tay cầm
Thanh Long đao, cỡi ngựa Xích Thố hoặc đứng theo thế tấn trong võ học, mũi đao
hướng ra ngoài. Khi khắc họa hình tượng Quan Công trong tư thế đứng, nghệ nhân điêu khắc hoặc vẽ tranh thường cố gắng
dùng các đường nét tinh tế để gợi cảm giác như cơ thể ông luôn dồn chứa một nguồn
nội lực mạnh mẽ ẩn trong chiếc áo bào xanh có phần giản dị. Hòa vào không khí
tâm linh huyền hoặc hương khói, tư thế đứng vừa oai phong, vững chãi vừa ung
dung, mềm mại và thần thái nghiêm nghị của ông có thể làm cho người thiện lương
phải kính sợ, khấu đầu còn kẻ ác tâm và ma quỷ thì hoảng hốt tránh xa.
Ấn tượng sâu đậm về dung mạo đặc biệt. dáng vẻ oai phong lẫm
liệt của người anh hùng thời Tam Quốc, một vị thần linh ứng hiển hách được thể
hiện rõ qua các câu đối tại nơi thờ phụng ông, trong đó, người sáng tác đặc biệt
quan tâm đến các chi tiết ngoại hình có tính chất đặc thù, khó thể nhầm lẫn, đó
là gương mặt đỏ và chiếc áo bào xanh. Không chỉ có ý nghĩa loại biệt, màu đỏ
còn có tính chất ước lệ, phản ánh một nét tâm thức văn hóa đặc trưng. Đó không
chỉ là màu được người Hoa rất ưa chuộng vì mang lại sự may mắn mà còn có ý nghĩa
nhấn mạnh sự tương hợp giữa ngoại hình với tính cách (mặt đỏ- lòng son) theo
quan điểm “tướng do tâm sinh” của người xưa. Màu xanh (chữ Hán là thanh 青) lại đồng âm với chữ thanh nghĩa
là trong sạch, trong suốt, thanh cao, chỉ khác nhau về hình chữ (chữ thanh nghĩa là trong sạch có thêm bộ thủy清). Nếu mặt đỏ được đặt trong thế tương hợp với lòng đỏ (đan tâm, xích tâm) thì áo xanh hẳn nhiên
cũng ít nhiều gợi nhắc đến tấm lòng trong sáng, thanh cao của người quân tử, đấng
trượng phu. Các trường hợp tiêu biểu dưới đây cho thấy rõ nét đặc sắc trong nghệ
thuật khắc họa chân dung hình tượng Quan Công bằng cách tạo điểm nhấn dựa trên
mối quan hệ của hai màu sắc có ý nghĩa biểu tượng là đỏ và xanh:
赤面赤心騎赤駒
青衣青甲手青龍
Xích
diện, xích tâm, kỵ Xích câu;
Thanh y, thanh giáp, thủ Thanh Long
.
Mặt
đỏ, lòng đỏ, cỡi ngựa Xích Thố;
Áo
xanh, giáp xanh cầm đao Thanh Long[7]. (Quan
Đế miếu- Long Xuyên)
赤兔嘶風驚吳曹之將士
青龍偃月扶蜀漢之江山
Xích
Thố tư phong, kinh Ngô Tào chi tướng sĩ ;
Thanh
Long yển nguyệt, phù Thục Hán chi giang san .
Ngựa Xích Thố hí
gió kinh hồn Ngô, Tào tướng sĩ;
Đao Thanh Long
bán nguyệt phò tá Thục Hán giang san.
(Quan Đế miếu- Châu Phú)
青衣讀春秋半朵燭光隆月色
赤心仲討伐一弰劍氣繞星寒
Thanh y độc xuân thu, bán đóa chúc quang long
nguyệt sắc[8];
Xích tâm trọng thảo phạt, nhất sao kiếm khí
nhiễu tinh hàn.
Aó xanh đọc Xuân Thu,
nửa bó đuốc, ánh sáng ngời sắc nguyệt;
Lòng đỏ giữa sa trường, một đốc kiếm, khí xông
lạnh trời sao.
(Quan Đế cổ miếu- Tân
Châu)
Người Hoa không chỉ kính sợ Quan Công bởi thần thái đầy
uy vũ mà còn sùng mộ ông bởi tài năng, trí tuệ và những vẻ đẹp nhân cách ngời
sáng được lý tưởng hóa. Ông là biểu tượng của tinh thần chính trực, khẳng khái,
lòng trung nghĩa, phẩm chất thanh cao sáng ngời như mặt trăng, mặt trời, lại
thông minh, sáng suốt, chăm đọc sử sách, văn chương che trùm sao Ngưu, sao Đẩu,
võ công cái thế, một đao một ngựa, rong ruổi chinh chiến, oai vọng lớn lao, khiến
anh hùng, sĩ tử thời Tam Quốc đều kinh tâm táng đởm:
正本清原丹心一點凌霄漢
精忠日月萬古文章貫斗牛
Chính bản thanh nguyên, đan tâm
nhất điểm lăng Tiêu Hán ;
Tinh trung nhật nguyệt, vạn cổ
văn chương quán Đẩu Ngưu .
Vốn chính trực thanh cao, một tấc lòng son vượt Tiêu Hán ;
Trung nghĩa ngời nhật nguyệt, vạn thuở văn chương che Đẩu
Ngưu.
(Quan
Đế miếu- Châu Phú)
匹馬斬顏良河北英雄皆喪胆
单刀會魯粛江南士子盡低頭
Thất mã trảm Nhan Lương, Hà Bắc
anh hùng giai táng đởm;
Đơn đao hội Lỗ Túc, Giang Nam
sĩ tử tận đê đầu.
Một ngựa chém Nhan Lương, anh hùng Hà Bắc đều vỡ mật;
Đơn đao gặp Lỗ Túc, sĩ tử Giang Nam thảy cúi đầu .
(Quan Đế Thánh miếu – Phú Tân)
Ở nội dung này, người sáng tác thường chú ý khai thác các
chi tiết được đại đa số quần chúng yêu thích, truyền tụng và có khả năng thể hiện
một cách tập trung, sắc nét vẻ đẹp tài năng, trí tuệ, phẩm chất của Quan Công
như sở thích nghiền ngẫm kinh Xuân Thu; chong đèn đọc sách giữ lễ tiết, bảo vệ
hai chị dâu trên đường tìm anh; để lại ấn tín, vàng bạc của Tào Tháo tặng trước
khi rời Ngụy; qua năm ải chém sáu tướng, tha chết cho Tào Tháo ở Hoa Dung đạo để
trả ơn xưa;... Những câu đối trong Quan Đế miếu ở Châu Phú và Long Xuyên được dẫn
dưới đây là những trường hợp tiêu biểu cho sắc thái trang nghiêm, âm điệu hào
hùng, vẻ đẹp cô đọng, hàm súc, đăng đối của lời văn tụng ca và các hình ảnh được
sử dụng phổ biến khi tôn vinh vẻ đẹp tài trí, phẩm cách của Quan Công:
騎赤兔過五關掛仰封金鳳眼羞看曹富貴
提青龍經百戰秉燈讀史虎威莫鎮漢乾坤
Kị
xích thố, quá ngũ quan, quải ngưỡng phong kim, phượng nhãn tu khán Tào phú quý;
Đề
thanh long, kinh bách chiến, bỉnh đăng độc sử, hổ uy mạc trấn Hán càn khôn.
Cỡi Xích Thố, qua
năm ải[9], treo ấn từ lộc[10], mắt phượng thẹn nhìn phú quý họ Tào;
Cử Thanh Long, ruổi chinh chiến, chong đèn đọc sử, uy hổ
trấn giữ giang sơn nhà Hán.
秉燭不避慊此夜心中懷有漢
華容非報義當年目下視無曹
Bỉnh
chúc bất tị hiềm, thử dạ tâm trung hoài hữu Hán;
Hoa
Dung phi báo nghĩa, đương niên mục hạ thị vô Tào.
Thắp đuốc để tránh nghi ngờ, đêm ấy, trong lòng chỉ có
Hán;
Hoa Dung không vì trả nghĩa, năm xưa, dưới mắt chẳng nhìn
Tào.
Đặc biệt, hai câu đối ca ngợi chí khí lẫm liệt, tinh thần
trung nghĩa ngời sáng của Quan Công được dẫn dưới đây xuất hiện rất phổ biến
không chỉ trong các di tích chùa miếu của người Hoa mà còn trong các di tích
đình, chùa người Việt có phối thờ Quan Công ở An Giang nói riêng và khắp Đồng bằng
sông Cửu Long nói chung. Từ góc nhìn giao lưu, tiếp biến văn hóa, đây là một
trong những minh chứng vừa cho thấy tính chất hỗn dung về tín ngưỡng do đặc
trưng của đời sống cộng cư nhiều dân tộc trên vùng đất mới; vừa thể hiện lòng
ngưỡng mộ của cư dân người Việt đối với một vị anh hùng có tính cách trượng
nghĩa, khinh tài, hào hiệp, khẳng khái, rất phù hợp với tính cách của lớp lưu
dân đàng ngoài trong buổi đầu vào khai phá đất phương Nam:
千秋義勇無雙仕
萬古精忠第壹人
Thiên
thu nghĩa dũng vô song sĩ ;
Vạn
cổ tinh trung đệ nhất nhân.
Ngàn
thu nghĩa dũng vô song sĩ
Vạn
thuở trung trinh đệ nhất nhân
志在春秋功在漢
忠同日月義同天
Chí tại Xuân Thu, công tại Hán;
Trung đồng nhật nguyệt, nghĩa đồng
thiên .
Chí
ở Xuân Thu, công tại Hán
Trung
sánh nhật nguyệt, nghĩa sánh trời
Âm điệu tụng ca cũng là âm điệu chủ đạo trong những câu đối
có nội dung khái lược các sự kiện quan trọng, các chiến tích lẫy lừng trong cuộc
đời người anh hùng đệ nhất thời Tam Quốc. Trong những trường hợp tiêu biểu dưới
đây được ghi nhận ở Quan Thánh miếu (Long Xuyên), người sáng tác đã khéo léo
xâu chuỗi những chi tiết trùng lặp rồi kết hợp với thủ pháp điệp tự để đúc kết
toàn bộ cuộc đời, công tích của Quan Công một cách cô đọng, hàm súc bằng những
điểm nhấn tạo ấn tượng khá sâu sắc và thú vị:
生蒲州事豫州戰徐州守荆州神州有赫
兄玄德弟翼德捦龐德放孟德志德無雙[11]
Sinh
Bồ Châu, sự Dự Châu, chiến Từ Châu, thủ Kinh Châu, thần châu hữu hách;
Huynh
Huyền Đức, đệ Dực Đức, cầm Bàng Đức, phóng Mạnh Đức, chí đức vô song.
Sinh Bồ Châu, phụng sự ở Dự Châu, đánh Từ Châu, trấn Kinh
Châu, thần châu[12] hiển hách có một
Anh là Huyền Đức, em là Dực Đức, bắt Bàng Đức, tha Mạnh Đức,
chí khí đức độ không hai[13]
兄玄德弟翼德丹心振德
師卧龍友子龍保護真龍
Huynh
Huyền Đức, đệ Dực Đức, đan tâm chấn đức;
Sư Ngọa Long, hữu Tử Long, bảo hộ
chân long .
Anh
là Huyền Đức, em là Dực Đức, lòng son chấn đức;
Thầy
là Ngọa Long, bạn là Tử Long, bảo vệ chân long[14].
Trong một câu đối ở Quan Đế cổ miếu (Tân Châu), người
sáng tác không chỉ cô đúc được những chiến công lẫy lừng của vị đại khai quốc
công thần nước Thục mà còn phản ánh được quá trình bất tử hóa, thần thiêng hóa
từ nhân vật Quan Công trong chính sử trở thành một vị thần được phong vương vào
đời Tống rồi phong đế vào đời Minh (Quan Thánh Đế Quân).
伏吴魏以興劉耿耿丹心昭日月
封候王而至帝巍巍義氣配乾坤
Phục Ngô, Ngụy dĩ hưng Lưu[15], cảnh cảnh đan tâm chiêu nhật nguyệt ;
Phong hầu vương nhi chí đế, nguy nguy nghĩa
khí phối càn khôn.
Phục Ngô, Ngụy để
hưng Lưu, lòng son chói ngời cùng nhật nguyệt;
Phong hầu, vương rồi
tới đế, nghĩa khí lồng lộng sánh càn khôn .
Bên cạnh những nội dung ca ngợi dáng vẻ oai phong, chí
khí lẫm liệt, tài năng, trí tuệ, phẩm chất ngời sáng và những chiến công lẫy lừng
của người anh hùng đệ nhất thời Tam Quốc, hệ thống câu đối trong các di tích
chùa, miếu thờ Quan Công ở An Giang còn chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa
giáo huấn lòng kính tín, biết ơn vị thần đã âm phù cho các thế hệ di dân người
Hoa khi đến định cư trên vùng đất mới; nhắc nhở con cháu phải biết tu dưỡng đạo
đức, học tập đức tính trung, hiếu, tín, nghĩa của ông. Nhiều câu đối hàm ý nhắc
nhở rằng khí khái lẫm liệt, tấm gương trung nghĩa ngời sáng của Quan Công từ
ngàn xưa vẫn còn lưu dấu và mong mỏi rằng ông sẽ mãi mãi âm phù, khôn thiêng
che chở, giúp cho cư dân có cuộc sống bình yên sung túc trên vùng đất mới:
正氣滿乾坤北魏東吳何在
英名高豫益青龍赤兔如存
Chính khí mãn càn khôn Bắc Ngụy,
Đông Ngô hà tại;
Anh
danh cao Dự, Ích[16],
Thanh Long, Xích Thố như tồn.
Chính khí lấp đất
trời, Bắc Ngụy, Đông Ngô nào đâu tá;
Thanh danh cao Dự,
Ích, Thanh Long, Xích Thố vẫn còn đây.
(Quan Thánh miếu- Châu Đốc)
威德配山川千秋香煙盛
靈通同天地顯祐保全民
Uy đức phối sơn xuyên, thiên thu hương yên thịnh;
Linh thông đồng thiên địa, hiển hựu
bảo toàn dân.
Oai đức sánh núi sông,
ngàn thu hương khói thịnh;
Linh thông cùng trời
đất, hiển hách trợ toàn dân .
(Quan Đế cổ miếu-
Tân Châu)
Với phẩm chất “tuyệt trung nghĩa”, ông còn được kính tín
như một vị thần công lý, luôn bảo vệ lẽ phải, có thể thấu tỏ, minh định, phát
hiện người ngay, kẻ gian; có thể chứng chiếu, bênh vực cho những tấm lòng thiện
lương, trung hậu, biết giữ tín nghĩa nhưng cũng có thể trừng phạt kẻ gian dối,
lừa đảo, vong tình bội nghĩa, bất tín, tráo trở lừa gạt. Một vài giai thoại cho
biết khi việc kinh doanh, hùn hạp có tranh chấp, người Hoa thường đem nhau đến
trước bàn thờ Quan Công để thề thốt, nhờ ông chứng giám[17]. Vì
lẽ đó, trong một câu đối ở Quan Thánh miếu (Long Xuyên), người sáng tác đã có ý
nhắc nhở bất kỳ ai đến chỗ thờ phụng Quan Công rằng phải thực sự nghiêm cẩn, tự
xét mình, phải giữ lòng thuần thành khi vào miếu chiêm bái, cầu xin:
有半點忠孝心腸方可豋堂頂禮
無一分兄弟情義何容入廟燒香
Hữu
bán điểm trung hiếu tâm trường, phương khả đăng đường đảnh lễ;
Vô
nhất phần huynh đệ tình nghĩa, hà dung nhập miếu thiêu hương.
Có nửa điểm gan ruột trung hiếu mới được đăng đường đảnh
lễ;
Không một phần tình nghĩa huynh đệ sao cho vào miếu thắp
hương.
4. Từ trong lịch sử, Quan Công, một vị võ tướng, anh hùng thời Tam Quốc, đã hóa thân hoàn hảo thành một nhân vật được đặc biệt yêu mến, ngưỡng mộ trong giai thoại dân gian và văn chương bác học, rồi được bất tử hóa, thần thiêng hóa trong đời sống tín ngưỡng Trung Hoa. Theo bước chân của những thế hệ Hoa kiều, Khách trú, tín ngưỡng thờ Quan Công lại tiếp tục tạo nên những vòng sóng tâm thức, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại biên, bất kỳ nơi nào có di dân người Hoa đến định cư, lập nghiệp. Thậm chí, khi du nhập vào vùng đất Nam bộ, tín ngưỡng thờ Quan Công không chỉ bắt gốc bén rễ trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa mà còn vươn cành, tỏa bóng, mở rộng tầm ảnh hưởng, giao thoa, tạo thành đặc điểm hỗn dung, phức hợp tín ngưỡng độc đáo trong đời sống văn hóa của người Việt. Rõ ràng, đây là một diễn trình lâu dài và phức tạp mà muốn lý giải, dứt khoát cần phải nhìn sâu vào bản chất của một hình mẫu lý tưởng có thể tích hợp trong nó những hằng số đạo đức mà con người hướng thiện dù ở thời đại nào cũng xem là chuẩn mực cần phấn đấu tu dưỡng để thành công, thành danh hay ít nhất cũng thành nhân. Từ lý do nêu trên, có thể khẳng định rằng: Nếu tín ngưỡng thờ Quan Công được xem là một phần đóng góp vào bức tranh đa diện, đa sắc của vùng văn hóa Nam bộ thì hệ thống câu đối tại các di tích chùa, miếu thờ Quan Công của người Hoa cũng đã đóng góp được một dấu ấn, một tiếng nói riêng, để cùng với các tác phẩm văn chương khác của hai dân tộc Việt, Hoa tạo thành nét đặc sắc của bộ phận văn chương Hán Nôm trên vùng đất mới./.
Nguyễn Kim Châu
Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7.2019
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn- Quốc
triều chính biên toát yếu- Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục chủ biên, NXB
Thuận Hóa, Huế 1998, trang 129.
[2] Quốc triều chính biên toát yếu,
Sđd, trang 137.
[3] Đào Trinh Nhất, Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ,
NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016, trang
103.
[4] Một số ý kiến cho
rằng Quan Công sinh năm 160 mất năm 220.
[5] Tâm lý cực đoan
thể hiện rõ qua cách khắc họa ba hình tượng nhân vật thời Tam Quốc được mệnh
danh là “Tam tuyệt” gồm: Quan Công (tuyệt trung nghĩa), Khổng Minh (tuyệt tài
trí), Tào Tháo (tuyệt gian hùng)
[6] Dữ liệu về các di
tích và văn bản câu đối tại các di tích là kết quả khảo sát thực địa trong
khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu sưu tầm di sản Hán Nôm An Giang phục vụ bảo tồn
văn hóa và phát triển du lịch” (2017- 2018) do PGS.TS Nguyễn Kim Châu chủ trì đề
tài.
[7] Tất cả bản phiên
âm Hán Việt và dịch nghĩa trong bài là của người viết. Khi dịch, người viết đã
cố gắng thoát ý để thể hiện phần nào tính chất đăng đối, vẻ đẹp thẩm mỹ đặc
trưng của câu đối cổ.
[8] Trong lần đưa hai chị
dâu là Cam, My phu nhân đi tìm Lưu Bị, nửa đêm, để giữ lễ, Quan Công thắp đuốc,
thức đọc kinh Xuân Thu canh cửa, bảo vệ hai chị.
[9] Tích Quan Công đưa hai chị đi tìm Lưu Bị, qua năm ải, chém sáu tướng của Tào Tháo.
[10] Tích Quan Công, khi bỏ Tào Tháo ra đi, treo ấn lên sảnh đường, vàng bạc của cải đã nhận
của Tào Tháo đều để lại.
[11] Câu đối này cũng
xuất hiện trong các hội quán, chùa, miếu
thờ Quan Công của người Hoa ở nhiều nơi tại Nam bộ. Ở mỗi nơi, có thể có một số
khác biệt về từ ngữ. Chẳng hạn, trong Sài
Gòn năm xưa, NXB TP Hồ Chí Minh, 1991, Vương Hồng Sển, khi đến Nghĩa Nhuận
hội quán ở Chợ Lớn, đã cho biết: “Lạ nhứt
và mừng nhứt là được gặp tại đây câu liễn thờ Quan Đế bấy lâu nghe đồn mà không
biết ở đâu, trong câu, gồm hết một bộ truyện Tam Quốc”. Đó là câu đối sau: “Sinh Bồ Châu, sự Dự Châu, chiến Từ Châu, thủ
Kinh Châu, vạn cổ thần châu hữu nhứt- Huynh Huyền Đức, đệ Dực Đức, xá Bàng Đức,
thích Mạnh Đức, thiên thu thánh đức vô song”. So với
câu đối tại Quan Thánh miếu ở Long Xuyên, câu đối tại Nghĩa Nhuận hội quán (Chợ
Lớn) có vài khác biệt như dùng chữ nhứt
(nhất) trong “hữu nhứt” để đối với “vô song” ở vế dưới (hợp lý hơn) hoặc thêm cụm
từ vạn cổ, thiên thu. Xin xem sách đã
dẫn trang 209.
[12] Thần châu: chỉ Trung Quốc.
[13] Câu đối nêu quê hương, gốc tích và những công trạng của Quan Công,: Ông là anh em kết
nghĩa với Lưu Huyền Đức (Lưu Bị), Trương Dực Đức (Trương Phi), chém Xa Trụ, tướng
của Tào Tháo ở Từ Châu, nhận lệnh trấn giữ đất Kinh Châu, bắt rồi sau đó chém
Bàng Đức, một viên tướng của Mã Đằng, Mã Siêu ở Khoái Khẩu và tha chết cho Tào
Tháo (Mạnh Đức) trong trận Xích Bích nổi tiếng.
[14] Ngọa Long: Khổng Minh. Tử Long: Triệu Tử Long, một trong những vị tướng
tài nổi tiếng của Lưu Bị.
[15] Ngô, Ngụy, Lưu :
Tức ba nước Ngô, Ngụy, Thục thời Tam quốc.
[16] Dự châu, Ích Châu: Nơi ghi dấu những công lao của Quan Công trong thời
gian phò tá cho Lưu Bị.
[17] Theo Trương Ngọc
Tường trong Đặc khảo văn hóa người Hoa ở
Nam bộ, Viện Văn hóa- Nghệ thuật Việt Nam, Phân viện Văn hóa- Nghệ thuật Việt
Nam tại TP Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, trang 124.