Bài đăng nổi bật

DẤU ẤN CỦA TINH THẦN MỸ HỌC SINH THÁI TRONG TRIẾT THUYẾT LÃO TRANG

1. Khi bàn về “ Sinh thái học trong những nền văn minh cổ ”, Johnson Donald Hughes đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thờ...

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Chùm Truyện ngắn 1200 chữ


CHA, CON VÀ CHUỘT
Nguyễn Kim Châu

Cha nhìn chuột, hả hê cười: “Bắt được rồi? Chờ đó, chút nữa, tao sẽ tính sổ mày!”. Cha đem cái rập chuột ra sân, đặt dưới gốc mai rồi vào nhà uống cà phê sáng. Con đã thay đồ đi học nhưng vẫn đứng miết ngoài sân nhìn con chuột đang rúc vào góc rập, yếu ớt và ngu ngốc. Cái đầu bé tí của nó cụp xuống, hai con mắt như hai hạt đu đủ láo liêng, chiếc mũi nhỏ và dài hít hít như đang thút thít khóc. Trông nó vô hại hệt con thú nhồi bông chỉ nhúc nhích nhờ gắn bộ phận điện tử chạy bằng pin.
Vậy mà mấy ngày trước, nó làm cả nhà khốn khổ. Mẹ đang ngồi chợt la oai oái, nhảy chồm lên ghế tựa, mặt tái mét: “Chuột! Chuột!”. Cha nhào đến, sẵn tờ báo, đập mạnh. Chuột thoát trong gang tấc, chui vào đáy tủ sách. Con chụp cây chổi quơ vào. Chuột chạy qua đầu tủ rượu. Mẹ la lên: “Coi chừng mấy cái ly!”. Cha len lén bắc ghế đẩu nhìn lên. Chuột như trêu ngươi, đứng yên nhìn cha. Con suỵt một tiếng, chuột chạy vào chạn bếp… Cả nhà tán loạn chỉ vì một kẻ phá bĩnh đùa cợt, giễu nhại. Đêm, tiếng răng gặm nhắm nghiến ken két làm mẹ mất ngủ. Sáng, những hạt phân chuột đen đen, hôi hôi vãi đầy sàn nước khiến cha gắt ầm lên vì đạp phải. Ngày thứ ba, cha mua về cái rập nhỏ, cẩn thận gài miếng thịt kho thơm lựng vào chốt dây kẽm rồi bật thử cánh cửa rập có cài lò xo, đánh tách một tiếng. Cha nói: “Tốt! Phen này, mày chạy đằng trời!”…
… Cha uống cà phê xong, ra sân đứng cùng con nhìn chuột. Con hỏi: “Giờ sao cha?”. Cha nói: ‘Còn sao nữa! Giết nó!”. “Giết cách nào cha?”. Mẹ vốn ghét chuột, cứ gọi nó là ổ vi trùng, là bệnh dịch hạch, là thứ đáng nguyền rủa… nên đứng đằng xa, góp ý: “Hay là mở cửa rập cho nó chạy ra, rồi đập?”. Cha nói: “Nó nhanh lắm, không đập kịp, lại chạy mất”. Cha chạy vào, lấy bình xịt muỗi. Làn hơi trắng nhờ tạo thành một đám sương thuốc độc bao quanh rập. Chuột khịt khịt mũi rồi nằm dí sát xuống, thở dốc. Mẹ chồm người, lé mắt nhìn vào, hỏi: “Chết chưa?”. Cha lắc đầu, chạy vào nhà lấy ra một chiếc đũa, đâm xuyên qua lỗ nhỏ trên rập, đúng vào chỗ chuột nằm. Thoáng một cái, nó đã phóc qua góc bên kia. Cha lại đâm, chuột lại nhảy, cứ kêu chít chít khi đầu đũa phập vào chân, vào bụng. Cuối cùng cha cũng giữ chặt được cổ nó, đầu đũa gí sát nhưng không đủ nhọn để xuyên thủng lớp da, lông mềm oặt. Con chuột nằm bẹp, hai chân sau duỗi duỗi, những chiếc móng nhỏ xíu cứ xoạc ra, chới với, trượt trên lỗ rập, cái đầu nghếch lên, lắc lắc như nghẹn xương cá. Con thẫn mặt, hỏi: “Cha ơi, chắc nó đau lắm!”. “Đồ ngốc!- Cha cười- Chuột mà làm như người. Nhưng thôi, phải chọn cách khác. Chẳng lẽ cứ đâm mãi như vầy!”. Con lo lắng nhìn cha: “Cách nào, cha?”. “Đổ nước sôi lên mình nó. Cách này rất lẹ!”. Cha đi nhanh vào bếp, lấy ấm nước vừa sôi ra sân.
Cha đã định đổ nước sôi vào mình chuột nhưng chợt dừng lại, nhìn con. Đôi mắt thằng bé ầng ậng nước, môi nó méo xệch, những ngón tay run run. Nó nhìn chuột rồi nhìn cha trân trối, bỗng thấy vết sẹo phỏng ở bắp chân năm trước, khi đụng phải ống pô xe honda của cha, tự nhiên phồng rộp lên, rát xé đến mức muốn thét thật to. Cha vẫn cầm ấm nước sôi, bàn tay lóng ngóng, nóng rẩy. Ánh mắt con khiến cha do dự. Nó thăm thẳm một nỗi bùi ngùi, riết róng một cảm giác ám ảnh, sợ hãi như sợi dây thừng quấn quanh cổ cha rồi xiết chặt đến ngạt thở. Không khí xử chuột đột ngột lắng xuống trong khi cha mất mấy phút lúng túng để có giải pháp hợp tình: “Thôi, cha đưa con đi học, trễ rồi! Chiều về sẽ tính”
Thằng bé làm thinh suốt đường đến trường. Lạ, ngày thường, nó như con sáo lột lưỡi! Cha cũng nghiện nói chuyện cùng con, cứ như hai người bạn vong niên có thể tâm sự thiệt tình, không sợ bị phản trắc, bội bạc. Nhưng sáng nay, thật khó lãng sang chủ đề khác khi ai cũng mải nghĩ tới cái rập chuột ở nhà.
Chiều, con đi học về, ngang qua gốc mai, vẫn thấy chuột nằm co ro trong rập. Nó còn sống, bộ lông xám nhờ nhờ xơ xác như vừa chui dưới cống lên. Con vào bếp, uể oải nhai cơm trong lúc xem tivi, chương trình thế giới động vật. Cha bỏ thói quen đọc báo, ngồi cạnh con lơ lảng ngó truyền hình. Cảnh rừng châu Phi hoang dại, con sư tử đầu đàn lang thang đi tìm mồi. Mắt nó long lên vằn máu khi thấy bầy nai đang bỏ chạy. Cú lao sư tử mạnh mẽ, dữ dội, cơ bắp được bản năng săn mồi kích hoạt cuộn lên, căng cứng trong từng bước đuổi nước rút. Phập! Răng sư tử đã cắm vào cổ con nai cuối đàn, khiến nó ngã vật xuống trảng cỏ. Màn hình lướt nhanh đến cảnh đàn sư tử sục mõm vào đống thịt nai bầy nhầy đỏ máu trong lúc người đọc lời bình tỉnh khô kết luận về quy luật sinh tồn… Con bần thần nhìn sư tử rồi nhìn cha, mắt đỏ hoe. Cha đứng dậy, tắt vội tivi. Mẹ buồn thỉu, rời mắt khỏi màn hình, quay lại đống chén đĩa. Trong cái cảm giác mệt mỏi đến bã người, cha thở dài đánh sượt, buông một lời phán quyết nhẹ tênh: “Thôi, mình thả chuột ra, nghe con?”. Thằng bé nửa cười nửa mếu, khẽ gật đầu.
Cha và con ra sân, ngồi trước rập nhìn chuột. Đầu gã tù nhân cúi xuống, đôi mắt lừ đừ, hai chân trước xếp lại khiến thân mình đã nhỏ lại càng nhỏ nhoi, rúm ró hơn. Cha thò tay, mở cửa rập. Thật lạ! Chuột ngước nhìn khoảng thoát thân bất ngờ mở ra trước mặt mà không hề động đậy. Cha nghiêng rập, trút chuột ra nền gạch nhưng nó vẫn nằm phủ phục. Cha lấy cành cây, đẩy nhẹ vào cái bụng xẹp lép. Chuột như bừng tỉnh, oằn người, rướn nhích được một chút bằng nỗ lực phi thường. Nó chỉ ráng đến vậy rồi thở hắt, giãy nhẹ. Từ con mắt ti hí đã đứng tròng rịn ra một giọt nước trong veo…  

Đã đăng Tuổi trẻ chủ nhật. Tháng 6.2011

GIỠN CHƠI NGHEN!

                                                                                                                       
Ngồi trên xe, lúc lơ mơ ngủ, anh bỗng có cảm giác rất lạ, như vừa nghe tiếng vỡ của chiếc bình pha lê. Anh thấy nó rơi xuống gạch với tốc độ phim quay chậm, cứ ngỡ dang tay ra là chụp được, nào ngờ... Những mảnh vỡ văng tung toé, cứa xước mu bàn tay, rướm máu khiến anh bừng tỉnh mà vẫn thấy rát tận lúc đến nhà! Cửa khóa ngoài như mỗi khi anh trở về sau những chuyến công tác miệt mài. Anh đi vội vào phòng ngủ, đứng lặng ở cửa nhìn cảnh tượng bề bộn. Đúng là chiếc bình đã vỡ! Những mảnh thủy tinh lấp lánh lẫn trong những đóa hồng nhung héo nằm giữa vũng nước lan rộng. Trên đầu tủ, hai chiếc va li đã được lấy đi! Vài chiếc áo vứt bừa! Một tờ giấy gắn ngay đầu giường có ghi dòng chữ viết vội: “Giỡn chán rồi! Em về nhà cũ đây”.
Anh gỡ giấy, săm soi như sợ đọc sót chữ nào, lâu lắm mới ngồi bệt xuống sàn nhà, nhìn tấm ảnh cưới treo trên tường. Ảnh rất nét, tư thế gần gũi, ánh nhìn nồng nàn. Đố ai biết lúc đó cả hai đang đóng phim! Mắt Tuyết long lanh, giễu cợt. Mắt anh cũng kín đáo gửi một thỏa thuận ngầm: “Giỡn chơi nghen!”. Thật ra, khi đứng trên sân khấu nhà hàng cùng Tuyết rót rượu, anh đã giật thót người: Hay là dừng lại? Có kịp không? Nhưng rồi anh lắc đầu xua chút sợ hãi thoáng qua ấy bằng cách tình tứ hôn cô dâu trong tiếng vỗ tay la hét hồn nhiên của đám bạn. Chúng mày bị lừa rồi!
Về khoản lừa này, anh thấy khoái chí. Anh và Tuyết ngẫu nhiên rơi vào tình thế buộc phải diễn trò yêu nhau trong những buổi bù khú với đám bạn để chứng minh rằng mình không bị “ế”. Vở diễn dài đến mức người diễn cứ sợ hóa thật nên phải nhắc nhau khi chỉ có hai người: “Nè, giỡn chơi nghen!”. Nhưng, vở diễn có quy luật riêng. Nó không được phép dừng lại mà phải đi đúng trình tự của cái thật để người xem đừng bỉu môi: “Xạo!” rồi ném cà chua, trứng thối lên sân khấu.
“Ừ! Muốn thật thì thật!- Tuyết nói- “Hay là ta làm đám cưới đi!”. Lúc đó, anh rùng mình, bỗng nhớ hồi nhỏ, ngoại thường kể chuyện gánh Sơn đông mãi võ có màn diễn chặt đầu người. Cha chặt đầu con, coi rởn gai óc nhưng là giả. Thứ bùa Lỗ Ban làm người coi hoa mắt, chặt đầu xong, ráp lại y cũ, như giỡn chơi. Vậy mà cũng sanh nghề tử nghiệp! Trong đám đông, có kẻ cao tay ẩn mặt phá bùa, đầu không thể ráp lại. Cha đành ôm đầu con bật khóc năn nỉ ai đó rộng lòng thương, đừng cắc cớ hại người. Anh kể cho Tuyết nghe, rồi tóm lại: Trò diễn, trò đời, đâu thật, đâu giả? Nói chung là đừng giỡn chơi! Tuyết bật cười: “Chuyện xa lắc xa lơ, tin cho mệt!  Cái chính là xạo với người nhưng thật với lòng. Khi nào anh chán, không thích chơi nữa thì nói ngay. Em cũng vậy! Ta chia tay, có mất gì đâu?”.
Ừ, thì như trẻ con chơi nhà chòi ấy mà, cũng vợ chồng, cũng mâm bát, bếp núc, lâu lâu gặp một bữa, đầm ấm ra trò rồi ai lo việc nấy. Tuyết làm nghề hướng dẫn du lịch mải miết đi. Anh bù đầu với những công trình xây dựng dưới tỉnh, mải miết đời khách sạn, lán trại. Ít gặp càng tốt vì chung nhà nên phải chung giường, rất ái ngại mỗi lần Tuyết khều vai anh: “Hay là mình chơi trò có em bé đi? Cưới nhau hơn năm rồi! Không, đám bạn lại cười, bảo mình điếc!”. Ừ, thì có em bé! Khổ nỗi, lần nào cũng vậy, chỉ mới khởi động, lòng anh đã thấy trống rỗng, lạnh tanh, đầu óc toàn nghĩ chuyện hậu quả. Nào sự nghiệp, công việc, rồi bay nhảy tự do, rồi tiền bạc,.. trăm thứ bà rằng. Nỗi cô đơn từ đâu xâm chiếm như nước lạnh dập ngọn lửa khát thèm mà cả hai cố lắm mới nhen nhúm được. Trong đêm, anh nghe tiếng Tuyết thở dài. Có vẻ là thật! Vậy mà sáng ra, Tuyết lại nhìn anh, cười: “Giỡn chơi nghen!”. Anh chẳng nói gì, thấy ngán ngẩm như diễn viên đã đóng bộ phim trăm tập, giờ chỉ mong đạo diễn tuyên bố hết phim. Đôi khi, anh còn nghĩ rằng chỉ là mơ. Yên tâm đi, rồi ta cũng tỉnh dậy, bật cười, thấy mình vẫn là mình. Nói như Tuyết thì, ta có mất gì đâu. Nói như ngoại anh thì chặt đầu rồi ráp lại y cũ, không đau đớn, không vết tì hằn…  
Cũng may, Tuyết tuyên bố vãn kịch trước. Luôn là vậy! Cô vốn tôn thờ chủ nghĩa không chờ đợi. Giờ, chỉ còn việc kiểm đếm xem anh mất gì, được gì? Hóa ra, trò giỡn chơi cũng đơn giản, chỉ tốn ít tiền, ít thời gian hầu tòa làm thủ tục ly hôn. Hồi cưới nhau cả hai đã thỏa thuận: Tuyết về nhà anh ở chung. Tiền ai nấy xài, hồn ai nấy giữ nên chẳng có gì phải chia chác. Rất thanh thản, anh thay bộ đồ mới, ra quán gọi hai chai bia. Cô tiếp viên sà xuống, ngồi kế bên: “Tội nghiệp quá! Sao chỉ uống một mình? Em ngồi cho vui nghe?”. “Xạo!”- Anh cười thầm, nhưng vẫn xởi lởi: “ Ừ, ngồi chơi em!”. Đùa suốt buổi cũng vá víu được phần nào khoảng rách trống đâu đó trong lòng mà chỉ tốn 10 chai bia. Rẻ chán!
Lử đử say, anh về nhà, nghĩ sẽ ngủ ngon nào ngờ cứ thức mãi nhìn ánh trăng tràn vào phòng, in dải sáng tái nhợt trên khoảng giường lạnh. Rồi như kẻ mộng du, anh ngồi bật dậy, mở đèn, lục tìm chai keo dán sắt, cặm cụi nhặt những mảnh vỡ bình hoa trên sàn nhà, cố ghép chúng lại. Những ngón tay run rẩy không thể cố định những mảnh vỡ vào đúng khớp nên khi buông ra, chúng lại sút keo, rời rã, xiên xẹo. Bất lực, anh thẫn thờ nhìn chiếc bình chỉ còn lại phần bụng, sống lưng rờn rợn hệt như ngày nhỏ, nghe ngoại kể đến lúc người cha bàng hoàng ôm xác đứa con bị cụt đầu.
Có tiếng chuông điện thoại reo. Anh nhào đến, chụp lấy ống nghe. Đầu bên kia yên lặng, chỉ nghe tiếng thở nhẹ! Anh cũng làm thinh, như đợi một điều gì rất mong manh. Lâu lắm, mới nghe tiếng Tuyết bật cười: “Giỡn chơi nghen! Thôi, anh ngủ đi!”.
                                                                                                   Nguyễn Kim Châu

Đã đăng trên Tuổi trẻ chủ nhật – năm 2010
THẾ GIỚI RỖNG
                                                                                      Nguyễn Kim Châu
Gã nhìn tôi trong lúc cả hai cùng dừng xe đổ xăng! Mắt gã thật lạ, cứ hấp háy như bị nắng chói, hay khói bụi vương vào. Hoặc giả, gã nhận ra tôi là người quen  nên cố gắng cười bằng mắt như một lời chào? Tôi cũng thấy gã quen quen, nhưng nhất thời không thể nhặt ra một cái tên trong số hàng trăm mối quan hệ tình cảm sâu sắc hay hời hợt mà tôi từng có. Chịu! Không thể nhớ ra được. Bởi vì gã không có mặt! Một sinh vật kỳ lạ không thể quan sát, đoán định sự khác biệt, với chiếc mũ bảo hiểm che kín đầu, khẩu trang che hết phần mũi, miệng, cằm, khiến khuôn mặt bằng phẳng một nét vẽ thô, nhòe nhoẹt, phác qua chân dung dang dở, chưa có hình khối, góc cạnh. Bộ đồ gã đang mặc cũng chẳng nói lên được điều gì ngoài hình dạng chung của những anh công chức nề nếp, nhan nhãn xung quanh ta hàng ngày. Trong chiếc khẩu trang, gã vừa là một ai đó vừa không là ai cả. Cứ như gã đang thu mình, mai phục trong cái vỏ bọc chẳng có gì đặc biệt, chỉ để lộ đôi mắt đỏ hấp háy vì bụi khói, láo liên, kín đáo quan sát người đối diện, chực chờ tìm kiếm những cơ hội, kết nối những quan hệ hay bới tung những bí mật. Nhưng, thật là bất nhã nếu không đáp lại lời chào bằng mắt đó dù tôi và gã chỉ chạm nhau trong khoảnh khắc giữa một buổi sáng đầy bụi khói, tiếng ồn và trăm thứ cần gấp gáp lo toan. 
Cũng không tránh được! Gã đã chủ động chặn ngang đầu xe tôi, chìa tay ra. Tôi cũng miễn cưỡng đón lấy cái bắt tay rất chặt nhưng lạnh lẽo: “Khỏe không?”- Gã hỏi, tiếng nói bị lấn át trong tiếng kèn của chiếc xe tải đang len giữa dòng xe honda cuồn cuộn đổ qua ngã tư đường. Tôi ậm ừ: “Khỏe! Sao lâu quá không gặp?”. Tôi hỏi, vừa dứt tiếng đã thầm buồn cười. Những câu cửa miệng này có vẻ  đắc dụng khi ta đang cố lục tung trí não để xác định một mối quan hệ còn rất lờ mờ. Có thể tôi quen gã, có thể không và ngược lại, có thể gã đã lầm tôi với một người khác cũng nên. Nhưng có sao đâu, đã sẵn những mẫu câu giao tiếp hàng ngày với lớp vỏ ngôn từ chỉ bao bọc một khối rỗng, vô nghĩa, có thể sử dụng cho bất kỳ đối tượng nào, vào bất kỳ lúc nào. Gã vừa rút bóp trả tiền xăng vừa trả lời: “Chà, cả tháng nay đi công tác ở Hà Nội, mới về hôm kia!”. Tôi à lên một tiếng rồi lập tức tầm soát và khoanh vùng ngay đám bạn bè hay những người mình quen biết trong cơ quan vừa có chuyến đi Hà Nội trở về. Hình như chẳng có ai cả! Phải thu hẹp phạm vi tìm kiếm hơn nữa, may ra! Tôi kiên nhẫn thăm dò, hy vọng trong lúc gã trả lời sẽ bật ra một địa chỉ, một công việc nào đó khả dĩ liên kết với tên người: “Hà Nội vui không?”. Gã lại cười bằng mắt, gật gật cái đầu: “Vui, rất vui. Nhưng lạnh lắm! Cứ chiều tối là chúng nó dẫn đi chơi, rượu chè tá lả, lại còn rủ mình lên Sa Pa coi tuyết rơi nữa, nhưng việc bù đầu, chẳng đi được”. Tôi chặc lưỡi, cảm thấy bị mắc kẹt trong mớ bòng bong tên người nhưng vẫn buông một câu cảm thán đầy thân thiết: “Tiếc quá hả!”.… Gã vẫn chưa buông tha: “Công việc thế nào?”. “Cũng vậy! Mấy chuyện bàn giấy chán phèo”- Tôi vừa trả lời vừa thấp thỏm nhìn dòng xe kẹt cứng. Gã gât đầu, ánh mắt đầy vẻ ái ngại: “Ừ, mình cũng vậy! Có bữa, tối mịt mới về tới nhà. Cái số anh công chức cạo giấy sao mà khổ! Rảnh không, vô uống ly cà phê đi!”. Tôi ra vẻ dụ dự rồi lắc đầu: “Thôi, dịp khác! Sáng nay bận quá!”.
Gã nhìn tôi. Tôi cũng nhìn gã, chỉ thấy ánh lên trong mắt gã một thóang tiếc rẻ rất kịch và có lẽ gã cũng thấy ở mắt tôi điều đó. Tôi muốn chia tay và chắc gã cũng muốn vậy nhưng không ai dám mở lời. Thì ít nhất cũng tự nhớ được cái tên để gọi nhau chứ, chẳng lẽ khi chia tay phải hỏi tên người- có- khả- năng- là- bạn của mình! Chao ôi, tôi thèm được đưa tay, lột cái khẩu trang che mặt gã bằng sự tức tối của người không giải được bài toán khó trong khi đáp số ở ngay trước mắt nhưng bị che đi. Chỉ cần có vây, tôi sẽ biết mình là kẻ khô khan, tàn nhẫn hay gã là một kẻ đểnh đoảng, lầm lẫn hoặc ngược lại. Nhưng, ai lại dại dột tọc mạch vào chỗ riêng tư mà người ta đã cố che đi bằng lớp vỏ ngoài giống hệt nhau? Đành vậy, tôi nuốt nước bọt, chìa tay ra, bắt tay gã, cố ý xiết thật chặt: “Thôi, đi nghe!”. “Ừ!”. Gã rồ ga, chạy lên mấy thước, rồi ngoái đầu lại, giơ tay chào. Hình như, gã có nở một nụ cười nhưng tiếc rằng chiếc khẩu trang đã che đi nên tôi chẳng biết gã cười vì điều gì.  
Gã đi đã xa trong lúc tôi vẫn còn ngẩn người, ngơ ngác nhìn dòng xe chen chúc qua ngã tư bắt đầu ùn ứ lại vì cái lô cốt đào đường nằm chắn ngang ngổ ngáo. Thốt nhiên, tôi giật mình thấy cơ man là mặt, những gương mặt bị bịt kín trong khẩu trang, kính râm và mũ bảo hiểm. Có cảm giác đằng sau những vật thể che chắn đó là khoảng trống không của khối vật chất không phản xạ ánh sáng nên vô hình. Tôi lạc vào một hành tinh xa lạ, ở đó, cư dân là những “người rỗng” đang di chuyển. Tất cả đều không có mặt nên dễ dàng ăn cắp giờ công sở làm việc riêng, vô tư chạy hàng ba vừa nói cười, vừa sẵn sàng văng tục với kẻ va quẹt xe mình hay hồn nhiên vượt đèn đỏ mà không sợ ai nhận ra! Trong số đó, có ai là người quen?
Bất giác, tôi hoảng hốt thắng gấp, tấp xe honda vào lề đường, nhìn mặt mình trong gương chiếu hậu rồi bần thần. Ở đó phản chiếu một gương mặt lạ hoắc, giống hệt những gương mặt tôi nhìn thấy trên đường, cũng kính mát che mắt, mũ bảo hiểm trùm kín đầu, cũng đeo khẩu trang, không mũi, không miệng. Đôi mắt của gã trong gương trợn tròn, ngơ ngác nhìn tôi như muốn hỏi: “Này, anh có biết ai là tôi không?”.
Đã đăng trên Tuổi trẻ chủ nhật - 2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét