1. Dẫn nhập
Tinh thần “ôn cố tri
tân” thấm nhuần rộng khắp trong môi trường văn chương bác học thời trung đại đến
mức tất cả những vấn đề của đời sống và nghệ thuật đều có xu hướng được thức nhận,
lý giải trên cơ sở những giá trị điển phạm của quá khứ. Yêu cầu lấy xưa để hiểu
nay, lấy vẻ đẹp chuẩn mực trong kinh sách thánh nhân làm khuôn mẫu khiến cho mọi
sáng tạo của người đời sau, thực chất chỉ là sự xoay sở khéo léo trong phạm vi
quan niệm “Thuật nhi bất tác”. Thủ pháp dụng điển cũng không nằm ngoài quỹ đạo
đó. Trong “Văn tâm điêu long”, Lưu Hiệp cho biết rằng cách “dùng sự việc cùng loại để nói rõ ý nghĩa, viện
dẫn chuyện ngày xưa để chứng minh cho chuyện ngày nay”, đã “trở thành quy phạm thông dụng trong kinh
sách” mà nhờ đó, những tác gia thời Đông Hán như Thôi Nhân, Ban Cố, Trương
Hành, Sái Ung mới có được những tác phẩm “văn
chương kết đầy hoa trái”, “trở thành
mẫu mực sáng tác cho đời sau” [1; 426-427]. Từ thời Lục Triều, các sách
chép điển cố có tên gọi là “loại thư”, “loại uyển”,.. được biên soạn kỹ càng, công phu để giúp cho
người sáng tác có thể tham khảo, dẫn dụng. Càng về sau, qua thực tế sáng tác,
kho tàng ngữ liệu điển cố ngày một đầy lên, phong phú, đa dạng hơn và tùy sở học,
tài năng của từng người, tùy hoàn cảnh sáng tác cụ thể mà chúng được vận dụng
sao cho phù hợp với nhu cầu nghị luận, miêu tả, thuật sự hay bộc lộ tình ý một
cách sâu sắc, tinh tế. Vì điển cố là thủ pháp nghệ thuật phổ biến trong văn học
trung đại nên việc khảo sát các dạng thức biểu hiện, cách sử dụng, ý nghĩa nghệ
thuật của nó đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ khá sớm và bàn bạc thấu
đáo. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết như bản chất của điển cố
là gì? xét về đặc tính tu từ, nó có phải là một dạng đặc biệt của ẩn dụ, hoán dụ
hay không? Chỉ có thể giải quyết thỏa đáng những câu hỏi này trên cơ sở xác định
cơ chế hình thành và giải mã điển cố.
2. Cơ chế hình thành điển cố
Thao tác dụng điển phổ
biến là dùng một yếu tố ngôn từ (có thể là tên đất, tên người, hay chỉ một sự vật,
sự việc, hiện tượng.. ) nhưng lại có khả năng gợi nhắc trọn vẹn một câu chuyện,
một câu văn/ thơ đặc sắc hoặc một hình ảnh độc đáo được lấy từ kho tàng sách vở
quá khứ có giá trị mẫu mực và phổ quát để đưa vào ngôn cảnh thích hợp. Trong
trường hợp này, điển cố sẽ giúp cho lời văn nghệ thuật vừa có được vẻ đẹp tu sức,
uyên bác, cao nhã vừa chứa đựng được một lượng hàm nghĩa phong phú, có khả năng
diễn đạt ý tưởng một cách chính xác, hàm súc.
Như vậy, xét về cơ chế
hình thành, điển cố là kết quả của một liên tưởng đột ngột xuất hiện trong quá
trình sáng tác khi người viết phát hiện sự tương đồng giữa sự việc, nhân vật,
hình ảnh mà mình đang nghị luận, thuật sự, miêu tả,... với một sự việc, một
nhân vật, hình ảnh khác trong một văn bản nguồn thuộc cái kho tri thức kinh sử,
văn chương mà anh ta đã tích lũy. Ngay sau đó, anh ta ký hiệu hóa nó thành một
dạng thức ngôn từ giản ước tối đa nhưng lại có khả năng cô đúc, nén chứa toàn bộ
ý nghĩa của câu chuyện, câu văn/ thơ trong văn bản nguồn, rồi đưa vào lời văn
nghệ thuật của mình. Khi xuất hiện ở văn bản đích, yếu tố ngôn từ đó sẽ đảm nhiệm
vai trò kích hoạt sự kết nối, dịch chuyển toàn bộ ý nghĩa của văn bản nguồn
sang ngôn cảnh của văn bản đích mà nhờ đó, người đọc mới có thể hiểu được ý
nghĩa của câu văn/ thơ trong văn bản đích. Sơ đồ sau đây sẽ cụ thể hóa cơ chế
hình thành, sử dụng điển cố trong quá trình sáng tác của nhà văn và đương
nhiên, theo con đường ngược lại, sơ đồ cũng biểu thị cơ chế tiếp nhận một lời
văn nghệ thuật có sử dụng điển cố:
(Hình ảnh không hiển thị được)
Trong sơ đồ trên, các vạch
liền dùng để chỉ con đường hình thành và sử dụng một điển cố, còn các vạch đứt
để chỉ quá trình ngược lại, đó là con đường mà người tiếp nhận phải đi qua để
hiểu một điển cố và nhờ đó, hiểu được ý nghĩa của câu văn/ thơ trong văn bản
đích. Từ sơ đồ trên, có thể thấy rõ quá trình nối kết, tương tác liên văn bản
đã được thực hiện nhờ một yếu tố ngôn từ được trích xuất hoặc được cô đúc từ
văn bản nguồn đóng vai trò chuyển toàn bộ thông tin từ văn bản nguồn sang văn bản
đích, để từ đó, tạo lập đường dây liên tưởng giữa quá khứ và hiện tại, lấy ý
nghĩa của văn bản nguồn để hiểu ý nghĩa trong ngôn cảnh thuộc văn bản đích. Chẳng
hạn, ta có thể xem xét một trường hợp cụ thể dưới đây:
“Phú
quý treo sương ngọn cỏ
Công
danh gửi kiến cành hòe”(Tự thán 3- Nguyễn Trãi)
Trong lúc viết hai câu
thơ này, hẳn nhiên, Nguyễn Trãi đã liên tưởng đến câu chuyện Thuần Vu Phần mơ
giấc công danh dưới gốc hòe trong sách Dị
văn lục. Toàn bộ câu chuyện và ý nghĩa của nó ở văn bản nguồn sẽ được tác
giả cô đúc lại trong cụm từ kiến cành hòe
rồi đặt vào câu thơ mà mình đang sáng tác. Lúc này, kiến cành hòe đã trở thành một điển cố mà nhờ nó, ý nghĩa của câu
chuyện trong văn bản nguồn (nỗi niềm của những người từng nếm trải sự hư ảo của
công danh) sẽ được dịch chuyển toàn bộ sang ngôn cảnh trong văn bản đích. Trên
cơ sở quan hệ đó, đương nhiên, ai cũng hiểu rằng Nguyễn Trãi đang than thở cho
kiếp quan trường ngắn ngủi, bạc bẽo, phù du mà mình từng nếm trải.
Chính vì sử dụng một yếu
tố ngôn từ được cô đúc hoặc trích xuất từ một câu chuyện hay một câu văn/ thơ
trong văn bản nguồn nên thủ pháp dụng điển giúp cho cho lời văn nghệ thuật đạt
tới sự hàm súc cao độ đến mức gần như là một cách nói tắt ngang, một trò chơi
chữ nghĩa đầy uyên bác, thú vị và thậm chí, đôi khi còn mang tính chất bí hiểm
nếu người viết dùng điển lạ hay giấu điển khéo léo, tinh tế đến mức khó nhận
ra. Muốn hiểu được thứ chữ nghĩa “đánh đố” đó, chỉ có một cách duy nhất là người
đọc phải giải mã được điểm mấu chốt, đó là ý nghĩa của điển cố được sử dụng
trong ngôn cảnh. Cho nên, vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ khảo sát cơ chế hình
thành và sử dụng điển cố mà còn cần khảo sát cả cơ chế giải mã điển cố.
3. Cơ chế giải mã điển cố
Về bản chất, mỗi điển cố
đều là một yếu tố ngôn từ mang tính biểu trưng, bởi trong nó luôn có một lớp
nghĩa hiển hiện và một hay một vài lớp nghĩa hàm ẩn phát sinh nhờ quan hệ liên
tưởng với một câu chuyện trong nguồn dẫn liệu. Mặt khác, nghĩa hàm ẩn của một
điển cố luôn gắn bó một cách chặt chẽ với nghĩa hiển hiện và chỉ được hiểu
thông qua nghĩa hiển hiện. Có thể xem xét một trường hợp cụ thể sau:
“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước
non luống những lắng tai Chung Kỳ” (Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Xuất hiện trong câu thơ
với tư cách là một điển cố lấy từ câu chuyện cảm động về tình bạn được ghi
trong sách Liệt tử và Lã Thị xuân thu, từ “Chung Kỳ” trước hết
mang lớp nghĩa hiển hiện, cụ thể để chỉ một nhân vật tên là Chung Tử Kỳ, người
duy nhất có thể cảm thụ được khúc đàn Cao sơn lưu thủy của Bá Nha. Gắn kết và
xuất phát từ nghĩa hiển hiện nêu trên, “Chung Kỳ” mang thêm lớp nghĩa hàm ẩn để
chỉ một người bạn tri âm, người không chỉ có năng lực thưởng thức tác phẩm nghệ
thuật một cách tinh tế mà qua đó, còn có thể
hiểu được tâm sự của người sáng tạo nghệ thuật đã giãi bày kín đáo trong
tác phẩm. Lớp nghĩa hàm ẩn này xuất phát từ nội dung của câu chuyện, phái sinh
từ nghĩa hiển hiện và gắn bó chặt chẽ với nghĩa hiển hiện của điển cố. Mặt khác,
lớp nghĩa hàm ẩn này lại được sử dụng phổ biến trong nhiều tác phẩm của người đời
sau với cùng một cách hiểu mang tính quy ước nên cứ mỗi lần nhà văn nhắc đến điển
cố “Chung Kỳ”, “Tử Kỳ”, thì tất cả thành viên trong cộng đồng văn học thời
trung đại và bất kỳ ai tích lũy được vốn tri thức kinh sách, văn chương trung đại
đều hiểu rằng tác giả đang nói đến người tri âm trong lĩnh vực tiếp nhận nghệ
thuật. Tương tự, dùng điển Nghiêu Thuấn là ngầm nói đến những vị vua anh minh
hay những triều đại thịnh trị (“Vua
Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn- Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”- Tự thán 4- Nguyễn Trãi), dùng điển Tây
Thi, Hằng Nga là nói đến những giai nhân tuyệt sắc (“Hương trời đắm nguyệt say hoa- Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”-
Cung oán ngâm- Nguyễn Gia Thiều); dùng
điển liễu Chương Đài[i]
hàm nghĩa tình yêu bị chia cách vĩnh viễn (“Khi
về hỏi liễu Chương Đài- Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”- Truyện Kiều- Nguyễn Du); dùng điển lá thắm,
chỉ hồng là nói đến duyên phận trời định (“Nàng
rằng lá thắm chỉ hồng- Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”- Truyện Kiều- Nguyễn Du),…
Trong trường hợp điển cố
được hình thành từ việc vận dụng một yếu tố ngôn từ nhưng có khả năng gợi nhắc
một câu văn/thơ, một hình ảnh đặc sắc, một tứ thơ độc đáo trong tác phẩm kinh
sách, văn chương mẫu mực của người xưa, nghĩa hiển hiện và nghĩa hàm ẩn của điển
vẫn có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính cố định. Chẳng hạn, ta có thể xem
xét một trường hợp cụ thể sau:
“Danh
thơm một áng mây nổi
Bạn
cũ ba thu lá tàn”(Thuật hứng 18- Nguyễn Trãi)
“Áng mây nổi” trong câu
thơ là một điển cố. Trước hết, nó mang nét nghĩa cụ thể dùng để chỉ một hiện tượng
phổ biến trong tự nhiên: một áng mây đột ngột xuất hiện rồi cũng đột ngột mất
đi trên bầu trời, có đó rồi mất đó, âu cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên,
ngay sau khi tri giác về lớp nghĩa hiển hiện đó, người đọc thời trung đại lập tức
liên tưởng đến từ “phù vân” mà Khổng tử từng nhắc đến trong Luận ngữ: “Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân”[ii]
(Bất nghĩa mà giàu sang thì với ta chỉ như mây nổi) và hẳn nhiên, chính ngôn cảnh
cùng ý nghĩa của hình ảnh trong văn bản nguồn đã quy định lớp nghĩa hàm ẩn cố định
của điển “mây nổi” hay “phù vân” trong bất cứ ngôn cảnh nào có điển này xuất hiện
là nhằm để chỉ sự mong manh, phù phiếm của phú quý, lợi danh, các giá trị vật
chất ảo trong cuộc đời. Cho nên, hễ nhắc đến
“mây nổi”, “phù vân” là người đọc nghĩ đến công danh phù phiếm. Tương tự, nhắc
đến bể dâu (tang thương) hàm ý nói đến sự thay đổi đáng sợ của cuộc đời[iii]
(“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt- Nước
còn cau mặt với tang thương”- Thăng
Long hoài cổ- Bà Huyện Thanh Quan, hay “Khóc
vì nỗi thiết tha sự thế- Ai bày trò bãi bể nương dâu”- Cung oán ngâm- Nguyễn Gia Thiều), bóng câu qua cửa sổ[iv]
để chỉ đời người trôi nhanh (“Tuổi đã ngoại
tám mươi già- Thoăn thoắt xem bằng bóng ngựa qua”- Thơ Nôm 14- Nguyễn Bỉnh Khiêm), còn hoa đào năm ngoái[v]
thì hẳn nhiên là nói đến không gian đầy hoài niệm buồn thương, nơi cảnh cũ vẫn
còn mà người xưa đã vắng (“Trước sau nào
thấy bóng người- Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”- Truyện Kiều- Nguyễn Du)….
Vì điển luôn có lớp
nghĩa hiển hiện và nghĩa hàm ẩn được hình thành trên cơ sở quan hệ liên tưởng
tương đồng hay tương cận nên có nhà nghiên cứu cho rằng điển cố là một dạng đặc
biệt của ẩn dụ và hoán dụ[vi].
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng giữa điển cố với ẩn dụ và hoán dụ có một điểm
khác biệt rất cơ bản, đó là nét nghĩa hàm ẩn của ẩn dụ, hoán dụ chỉ tồn tại lâm
thời trong một ngôn cảnh cụ thể. Chúng thể hiện rõ năng lực sáng tạo của mỗi
người viết khi cấp thêm cho một yếu tố ngôn từ những nét nghĩa mới trong những
ngôn cảnh khác biệt. Trong khi đó, một điển cố có thể xuất hiện với những hình
thức ngôn từ biểu đạt khác nhau, được sử dụng ở nhiều văn bản của những tác giả
khác nhau, trong những thời đại khác nhau nhưng lớp nghĩa hàm ẩn của điển cố
thì luôn mang tính chất ổn định trong những ngôn cảnh tương đồng.
Sở dĩ nghĩa hàm ẩn của
điển cố luôn ổn định, bất biến một mặt là do nó luôn bị quy định bởi ý nghĩa của
câu chuyện, câu văn/ thơ,.. trong một văn bản nguồn; còn mặt khác là do những
quy ước mặc định mà cộng đồng văn học trung đại luôn tuân thủ, chấp nhận trong
sáng tác và thưởng thức. Chính ý nghĩa của văn bản nguồn và tâm thức sáng tác
trọng cổ, tập cổ, luôn muốn sử dụng lại các khuôn mẫu đã khiến cho điển cố luôn
lưu giữ lớp nghĩa hàm ẩn mang tính quy ước, cố định trong các văn bản khác nhau
nhưng có nội dung miêu tả, thuật sự, nghị luận,… tương đồng. Chẳng hạn, cùng tả
tâm trạng nhớ quê, trong bài Bảo kính cảnh
giới 28, Nguyễn Trãi viết: “Nghìn dặm
xem mây nhớ quê- Chẳng chờ cởi ấn, gượng xin về”, còn Nguyễn Du thì dùng điển
này để tả tâm trạng của Kiều: “Bốn phương
mây trắng một màu- Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”. Hình thức ngôn từ được
vận dụng để biểu đạt điển cố có thể thô hoặc tinh, có thể thay đổi, biến hóa đa
dạng là do tài năng của người nghệ sĩ nhưng nhất định, muốn hiểu nghĩa hàm ẩn của
điển “mây trắng”/ “xem mây” thì tất cả đều phải hồi cố về văn bản nguồn. Đó là
câu chuyện Địch Nhân Kiệt (Đường thư) khi nhậm chức nơi xa, nhìn về phương trời
có mây trắng mà bồi hồi nhớ quê, thương cha mẹ. Trong trường hợp này, sự sáng tạo
đối với người nghệ sĩ thời trung đại không phải là tìm những nét nghĩa mới cho
một yếu tố ngôn từ quen thuộc mà chỉ dừng lại ở chỗ sử dụng những hình thức
ngôn từ khác nhau để gợi nhắc ý nghĩa hàm ẩn cố định trong một văn bản nguồn
quen thuộc được cổ nhân xem là “lệ sự” (những việc tốt đẹp).
Vì nghĩa hiển hiện và
nghĩa hàm ẩn của điển cố đều xuất phát từ câu chuyện, câu văn/ thơ trong văn bản
nguồn, thậm chí, cả hình thức ngôn từ của điển cố cũng được cô đúc hoặc trích
xuất từ văn bản nguồn, nên muốn giải mã điển cố, người đọc phải lấy văn bản nguồn
làm hệ quy chiếu. Trong khi đó, ẩn dụ, hoán dụ không hình thành từ một văn bản
nguồn mà từ sự so sánh, đối chiếu giữa hai đối tượng dựa trên quan hệ liên tưởng
tương đồng hoặc tương cận, nên muốn giải mã chúng, người đọc phải dựa trên hệ
quy chiếu là tâm thức văn hóa cộng đồng. Sự khác biệt giữa cơ chế giải mã của ẩn
dụ, hoán dụ với điển cố được hình dung qua các sơ đồ sau:
(Hình ảnh không hiển thị được)
Trong hình 2, con đường
từ (A) đến (y) được biểu thị bằng vạch đứt để nhấn mạnh tính chất lâm thời của
nghĩa hàm ẩn trong ẩn dụ, hoán dụ. Còn trong hình 3, con đường từ (A) đến (y)
được biểu thị bằng vạch liền để biểu thị tính cố định của lớp nghĩa hàm ẩn
trong điển cố do được sử dụng lặp lại phổ biến trong nhiều văn bản khác nhau.
Chính sự bất biến của lớp nghĩa này mà người đọc thời trung đại, như một phản xạ
được hình thành từ quá trình thưởng thức rất nhiều trường hợp tương tự, không cần
thực hiện con đường giải mã tuần tự (A)- (x)- (y) mà có thể bỏ qua (x) để từ
(A) mà hiểu ngay (y). Nói cách khác, (A) đã được cả cộng đồng trung đại quy ước
cho một nghĩa biểu trưng là (y) nên trong thực tiễn tiếp nhận, người đọc gần
như không cần (x) mà vẫn hiểu nghĩa hàm ẩn của (A) trong bất kỳ ngôn cảnh nào có (A) xuất hiện.
Cũng cần nhấn mạnh rằng,
để có thể hiểu nghĩa hàm ẩn của điển cố mà không cần dựa vào nghĩa hiển hiện, một
yêu cầu quan trọng là điển phải được sử dụng phổ biến đến mức gần như là một biểu
tượng. Khi cái được biểu đạt của một biểu tượng đã được quy ước thì ý nghĩa của
những chi tiết kiểu như con chim bồ câu báo nạn đại hồng thủy đã chấm dứt (theo
Kinh Thánh) hay vòng nguyệt quế được xem là phần thưởng dành cho người chiến thắng
trong thời kỳ Hi Lạp cổ đại đã bị bỏ qua. Chính điều này dẫn đến một thực tế là trong giao tiếp, người ta cứ hiểu theo nghĩa đã mặc định
mà gần như chẳng cần quan tâm đến lý do vì sao chim bồ câu lại là biểu tượng của
hòa bình hay vòng nguyệt quế là biểu tượng của chiến thắng. Điển cố, trong một
cấu trúc tương tự, cũng đã định hình quan hệ cái biểu đạt và cái được biểu đạt
có tính chất cố định, quen thuộc, khuôn mẫu đến mức có thể xem Nghiêu Thuấn là
biểu tượng cho những vị vua anh minh, Bá Nha- Tử Kỳ là biểu tượng cho tình tri
âm tri kỷ, phù vân là biểu tượng cho danh lợi phù phiếm, bể dâu/ tang thương là
biểu tượng cho sự biến đổi nhanh chóng đáng sợ của cuộc đời,…
Tuy nhiên, đối với trường
hợp điển ít dùng hoặc điển lạ, người đọc vẫn phải đi theo con đường giải mã
quen thuộc, nghĩa là phải xác định được văn bản nguồn. Đó là lý do giải thích
vì sao công việc sưu tầm, khảo cứu, chú giải những tác phẩm văn học trung đại
luôn gặp nhiều trở ngại do không tìm được nguồn dẫn liệu hoặc xuất hiện tình trạng
một điển nhưng có nhiều cách chú giải khác nhau do dựa vào nguồn dẫn liệu khác
nhau. Chẳng hạn, đối với điển “khí thôn ngưu” trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có nhà
nghiên cứu chú giải là “nuốt trôi trâu” và chỉ rõ nguồn dẫn liệu là một câu thơ
của Đỗ Phủ (Tiểu nhi ngũ tuế khí thôn
ngưu), trong khi có nhà nghiên cứu lại chú giải là “át sao Ngưu” vì cho rằng
cách hiểu “khí thế át sao Ngưu” đã có từ trước Đỗ Phủ rất lâu [3; 563].
4. Kết luận
Thông qua việc mô hình
hóa, so sánh cơ chế hình thành và chuyển nghĩa của điển cố với ẩn dụ và hoán dụ,
có thể thấy rằng điển cố có những điểm khác biệt đáng chú ý về đặc tính tu từ. Thứ
nhất, điển cố cũng có nghĩa hiển hiện và nghĩa hàm ẩn như ẩn dụ, hoán dụ, nhưng
nghĩa hàm ẩn của ẩn dụ, hoán dụ chỉ có tính chất lâm thời trong khi nghĩa hàm ẩn
của điển cố luôn cố định, do được sử dụng lặp lại phổ quát đến mức trở thành một
lớp nghĩa quy ước được cả cộng đồng văn chương thời trung đại mặc nhiên chấp nhận
hiểu và sử dụng. Thứ hai, nghĩa hiển hiện và nghĩa hàm ẩn của ẩn dụ, hoán dụ được
quy định bởi tâm thức văn hóa của cộng đồng, trong khi nghĩa hiển hiện và hàm ẩn
của điển cố lại được quy định bởi một văn bản nguồn có tính chất mẫu mực trong
hệ thống kinh sử, văn chương bác học. Thứ ba, điển cố vừa có một hình thức biểu
đạt cô đọng, đậm chất uyên bác vừa có sức nén chứa lượng hàm nghĩa phong phú
hơn nhiều lần so với nghĩa hàm ẩn trong ẩn dụ, hoán dụ. Chính vì những khác biệt
nêu trên, có thể khẳng định rằng, sử dụng điển cố không chỉ đơn giản là nhằm
làm gia tăng sắc thái tạo hình, biểu cảm cho lời văn nghệ thuật như ẩn dụ, hoán
dụ mà quan trọng hơn là ở chỗ thể hiện được tính chất hàm súc, cao nhã, quy phạm
của văn chương bác học thời trung đại./.
Bài đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 8- 2016 (Từ trang 10- trang 15)
[i]
Lấy từ chuyện về mối tình Hàn Hoành và Liễu thị trong “Tình sử”
[ii] Khổng Tử,
Luận ngữ, thiên Thuật nhi, [2; 331]
[iii] Trong
chuyện thần tiên thời Đông Hán, tiên nữ Ma Cô nói với Phương Bình rằng: “Từ khi
hầu chuyện cùng ông, tôi đã thấy bể đông ba lần biến thành ruộng dâu”
[vi]
Xin xem bài viết “Đặc tính tu từ của điển
cố”- Đoàn Ánh Loan- Trang web của Khoa Văn học và ngôn ngữ- Trường Đại học
KHXH&NV- TPHCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét