Tây An tự là một ngôi chùa nổi tiếng nằm trong quần thể di tích Núi Sam, Châu Đốc, An Giang. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều văn bản chữ Hán có giá trị lịch sử, văn chương mang đậm dấu ấn của một thời kỳ văn hóa Hán học đã từng phát triển hưng thịnh trên vùng đất được mệnh danh là “Châu Đốc tân cương” xa xưa. Trong di tích, đáng chú ý nhất là các hoành phi, câu đối và những bài thơ chữ Hán được khắc trong khu vực mộ tháp. Hệ thống văn bản chữ Hán ở chùa Tây An thực sự là một trường hợp rất đáng lưu ý khi khảo sát, nghiên cứu di sản Hán Nôm ở tỉnh An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thuộc quần thể di tích Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, chùa Tây An có lịch sử tồn tại hơn 170 năm tính từ lúc Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn cho xây chùa (năm 1847) và đã trải qua hai lần đại trùng tu vào các năm 1861, 1958. Với khuôn viên rộng hơn 15.000 m2, kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc, lại có vị thế đắc địa ngay ngã ba, đầu đường từ thành phố Châu Đốc vào, “đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng lẽ, cổ thụ âm u”, Tây An tự được sách Đại Nam nhất thống chí đánh giá là “một thắng cảnh thiền lâm” “ở thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên” [1]. Đây cũng là một trong vài di tích tiêu biểu được Nguyễn Liên Phong ca ngợi trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca[2]: “Một tòa chùa Phật Tây an- Nhứt thừa hòa thượng [3] thanh nhàn tiên du- Roi truyền y bát mấy thu- Nay còn các sãi giữ tu đến rày- Núi Sam trên núi cao xây- Tháp đài vòi vọi ngó tày vân tiêu- Cây reo tiếng tợ tiêu thiều- Sương mơi [4] mát mẻ, gió chiều lai rai”. Chùa Tây An còn nổi tiếng nhờ gắn liền với hành trạng của ông Đoàn Minh Huyên, người sáng lập đạo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (đạo Lành) với chủ trương học phật tu nhân, có nhiều công lao trong việc giúp dân vượt qua dịch bệnh, khuyến khích khai thác đất đai, phát triển nông nghiệp, củng cố đạo đức xã hội, cải cách tôn giáo,.. nên được nhân dân nơi đây tôn xưng là đức Phật thầy.
Ngoài
vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc, chùa hiện còn lưu giữ gần 20 hoành phi, hơn 30 câu đối
và nhiều bài thơ chữ Hán trong khu vực mộ tháp. Chữ đại tự trên các bức hoành
phi có nét đẹp phóng khoáng, sắc sảo; chữ khắc các câu đối trên cột gỗ hầu hết
là chữ khải, nét khắc khá tinh tế, công phu; các bài thơ trong khu vực mộ tháp
được khắc trên đá hoa cương, chữ khắc chân phương. Nhìn chung, đây là ngôi chùa
còn lưu giữ được những văn bản mang vẻ đẹp điêu khắc và thư pháp khá tiêu biểu
của kiến trúc thờ tự in đậm dấu ấn một thời kỳ văn hóa Hán học đã từng phát triển
hưng thịnh trên vùng đất có số lượng lớn các cơ sở tín ngưỡng đình, chùa, miếu,
am, dinh, phủ… được phân bố rộng khắp và thậm chí, tập trung với mật độ dày đặc
ở một số vùng thị tứ hay nơi phát tích của các đạo phái.
Không
chỉ có chức năng trang trí, thể hiện nét thẩm mỹ đặc trưng của di tích cổ, các
văn bản chữ Hán ở chùa Tây An còn phản ánh rõ những đặc điểm chung của hệ thống
hoành phi, câu đối, thơ ca,.. hiện tồn ở các di tích chùa chiền thuộc tỉnh An
Giang. Thông qua những nội dung phổ biến như ca ngợi tấm lòng từ bi rộng mở,
pháp lực vô biên, vai trò quan trọng của Phật- Pháp- Tăng trong sứ mệnh tế độ
chúng sinh; ca ngợi vị thế đẹp đẽ, an nhàn, thanh tịnh nơi chùa tọa lạc; tôn
vinh, ghi nhớ công ơn của người đã xây dựng chùa, góp sức hoằng khai giáo pháp
hay nhắc nhở nhiệm vụ tu hành… các văn bản chữ Hán ở chùa Tây An thể hiện những
nét đặc sắc trong quan niệm triết lý của người Nam Bộ ở một vùng đất được lịch
sử ghi nhận là nơi hình thành và phát triển của các đạo phái nội sinh. Những
quan niệm này vừa được xây dựng trên cơ sở kế thừa truyền thống tư tưởng của
dân tộc, tiếp biến dung hợp với tư tưởng tôn giáo bản địa cùng tư tưởng tam
giáo có nguồn gốc Trung Hoa, vừa được vận dụng một cách sáng tạo sao cho phù hợp
với tính cách của cư dân cũng như bối cảnh đặc thù của vùng đất bán sơn địa thời
bắt đầu khai phá và những giai đoạn nhiều biến động lịch sử tiếp sau đó.
Xu
hướng tích hợp tư tưởng tam giáo, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tư tưởng Phật
giáo (Thiền, Tịnh, Mật) và Nho giáo (với tinh thần nhập thế và các nguyên tắc
tu thân, tam cương ngũ thường được đơn giản hóa) để tạo thành cơ sở cho tinh thần
học phật, tu nhân đầy tính thực tế, dễ
áp dụng thể hiện khá rõ trong nội dung một số câu đối ở chùa Tây An, tiêu biểu
như:
Thích
thị diễn tam thừa dục cá cá tề thành chính giác;
Nho
gia truyền nhất quán sử nhân nhân doãn chấp quyết trung.
Đạo Thích giảng tam thừa muốn ai ai thảy
đều thành chính giác
Nhà Nho truyền nhất quán khiến người người
quyết giữ đạo trung[5]
釋氏演三乘欲個個齊成正覺
儒家傳一貫使人人允執厥中
Sắc
khuông nhương, cần mẫn lệ, động cù lao, quân, sư, phụ nhất phiên kiệt lực;
Chí
trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng, Nho, Thích, Đạo tam giáo đồng tâm.
Chớ
hấp tấp, cần mẫn khích lệ, nhớ ơn dưỡng dục, vua, thầy, cha, một đời tận lực
Giữ
trung thứ, tụng niệm từ bi, lòng thành cảm ứng, Nho, Phật, Đạo, tam giáo đồng
tâm
.勅劻勷勤勉勵動劬勞君師父一番竭力
志忠恕念慈悲思感應儒釋道三教同心
Dấu
ấn kế thừa tư tưởng tam giáo, đặc biệt là Phật giáo và Nho giáo, thể hiện khá
rõ trong các câu đối nêu trên qua cách dùng các thuật ngữ Phật giáo (tam thừa, chính giác) và các từ ngữ có
nguồn gốc từ kinh sách Khổng Mạnh. Chữ nhất
quán lấy lời Khổng tử
nói với Tăng Sâm trong thiên Lý Nhân
(Luận ngữ): “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Đạo của ta chỉ một lẽ mà thông suốt cả).
Theo Tăng Tử, lẽ nhất quán đó chính là đạo Trung
thứ (Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ
hĩ), một trong những vấn đề cơ bản của Khổng học, đề cao tinh thần khoan
dung, biết quan tâm đến người khác. Trong Luận
ngữ (thiên Vệ Linh công), Tử Cống
hỏi thầy rằng: Có chữ nào mà mình theo trọn đời được không?. Khổng Tử đáp: Có lẽ
là chữ Thứ chăng? Cái gì mình không
muốn thì đừng làm cho người khác. (Kỳ thứ
hồ? Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Cụm từ doãn chấp quyết trung được trích từ Kinh Thư: « Nhân tâm duy
nguy, đạo tâm duy vi. Duy tâm duy nhất, doãn chấp quyết trung » (Dân
tâm đang nguy, đạo tâm đang mờ. Phải tinh phải duy nhất, gửi niềm tin vào đạo
trung). Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến kỹ thuật dùng chữ ở trường hợp thứ hai khi
người viết câu đối đã khéo léo dùng chín chữ có bộ lực rồi kết lại vế trên bằng chữ lực, sau đó dùng chín chữ có bộ tâm
và kết lại vế dưới bằng chữ tâm. Trong
chữ lực đã hàm ý nhấn mạnh tinh thần
gắng sức nhập thế hành đạo, cứu dân giúp đời và trong chữ tâm đã chứa đựng vấn đề cơ bản của học thuyết Thiền tông (Tu tâm, lấy
tâm định làm phép tu dưỡng).
Chữ tâm và chữ lực tiêu biểu cho tinh thần cơ bản của
Thiền và Nho đã được đạo phái Bửu Sơn Kỳ Hương tiếp biến, vận dụng vào chủ
trương học phật, tu nhân, gắn đạo với
đời, người theo đạo vừa phải giữ tâm đức trong sáng, biết nhớ ơn nguồn cội, tổ
tiên, vừa phải có tính cách thực tế, ý thức trách nhiệm với cuộc sống, nỗ lực
hành động để cứu đời, dựng xây quê hương, đất nước. Vì vậy, không phải ngẫu
nhiên mà trong một ngôi chùa thờ Phật lại có những câu đối đề cao tinh thần hoà
hợp đạo với đời: vừa tạ ơn vua lại vừa tạ ơn thần, phật; vừa mong ước xây dựng
một quốc gia cường thịnh có minh quân, lương thần, nhân dân sống hạnh phúc
trong trời Nghiêu ngày Thuấn, vừa phát nguyện hoằng khai đạo pháp để tế độ
chúng sinh qua biển khổ bờ mê:
Vĩnh Tế mộc thần ân nhân kiệt địa linh ca Thuấn nhật;
Tây An triêm phật đức đạo hoằng chính hóa phối Nghiêu
Thiên.
Vĩnh Tế gội ơn
thần người tài đất linh ca ngày Thuấn
Tây An nhuần đức
Phật, phát huy chính đạo hợp trời Nghiêu
永濟沐神恩人傑地靈歌舜日
西安霑佛德道弘正化配堯天
Điện thượng diễn tam thừa chúc quốc vương Nghiêu thiên
Thuấn nhật;
Đường trung tuyên chư phẩm nguyện thí chủ thọ hải phước
sơn.
Trên điện giảng
tam thừa chúc nhà vua trời Nghiêu ngày Thuấn
Chính đường
ban phẩm vật nguyện thí chủ biển thọ non lành
殿上演三乘祝國王堯天舜日
堂中宣諸品願施主夀海福山
Nội dung các văn bản chữ Hán ở chùa Tây An cũng cho thấy
đường hướng phát triển của Phật Giáo trên vùng đất mới là chịu ảnh hưởng khá rõ
bởi triết lý Thiền tông. Một số bức hoành phi trong chùa xác định rõ đường hướng
đó qua cách dùng từ ngữ và điển cố phật giáo liên quan đến lịch sử truyền thừa
của chi phái Thiền Tông, chẳng hạn: Thiền
gia mô phạm (Nhà Thiền mẫu mực), Tịnh
ngộ sắc không (Thiền tịnh ngộ lẽ sắc không), Ngũ diệp quang huy (Năm lá sáng ngời),.. Năm lá hay năm cánh hoa chỉ năm phái Thiền
tông. Trong Truyền Đăng lục (chương Đạt Ma), có bài kệ truyền pháp của Đạt
Ma rằng: Ta vốn đến đất này- Truyền pháp cứu mê tinh- Một hoa nở năm cánh- Kết
quả tự nhiên thành. (Ngô bản lai tư thổ- Truyền
pháp cứu mê tinh- Nhất hoa khai ngũ diệp- Kết quả tự nhiên thành)[6]. Đời
sau cho đó là lời sấm ngữ tiên báo sự xuất hiện của năm phái Thiền Tông gồm Lâm
Tế, Quy Ngưỡng, Vân môn, Pháp Nhãn, Tào Động.
Một số câu đối cũng phản ánh rõ đặc điểm này:
Y bát chân truyền vĩnh kế Hoàng Mai[7]
hưng đại đạo;
Niêm hoa đốn ngộ[8]
thừa đương Linh Thứu chấn tông phong.
Y bát chân
truyền mãi nối Hoàng Mai chấn hưng đại đạo
Niêm hoa đốn
ngộ kế thừa Linh Thứu[9] phát triển tông phong
衣鉢真傳永继黄梅興大道
拈花頓悟承當靈鷲振宗風
Minh kính phi đài sắc thượng thị không chiếu kiến bản lai
chân diện mục[10];
Bồ đề vô thụ[11]
không trung diệu hữu thường khai bất tạ đạo tâm hoa.
Gương sáng
không đài, trên sắc là không, soi thấu bản lai chân diện mục
Bồ đề chẳng
nhánh, trong không lại có, thường nở chẳng rụng đạo tâm hoa
明鏡非臺色上是空照見本來真面目
菩提無樹空中妙有常開不謝道心花
Từ bi tác thất thông tuệ tác môn bất tu vấn trạch cư hà tại;
Pháp hỉ vi thê trí độ vi mẫu vô phiền tuân cốt nhục vi
thùy.
(Lấy) từ bi làm nhà, (lấy) thông tuệ làm cửa, không
nên hỏi nhà cửa ở nơi đâu
(Lấy) đạo pháp
làm vợ, (lấy) trí độ làm mẹ, chẳng phiền tra vấn cốt nhục là ai
慈悲作室通慧作門不須問宅居何在
法喜爲妻智度爲母無煩詢骨肉之誰
Diện
mệnh nhĩ đề[12]
tuyên pháp bảo cần sách lệ bách tải nan vong ân chí trọng;
Truyền y phó bát chấn tông phong hưng tổ ấn thiên thu đắc
kế đạo tinh trưng.
Ân cần chỉ dạy,
truyền pháp bảo, chăm chỉ, khích lệ, trăm năm chẳng quên ơn rất nặng
Truyền y phó
bát, phát tông phong, chấn hưng ấn tổ, ngàn thu nối được đạo sáng ngời.
面命耳提宣法寶勤策勵百載難忘恩至重
傳衣付鉢發宗風興祖印千秋得繼道精徵
Có
khá nhiều bài thơ mang dạng thức tứ cú kệ
được khắc trên các mộ tháp chùa Tây An. Bài thơ trích dẫn sau đây là một trường
hợp khá tiêu biểu có nhắc đến phương pháp đặc hiệu mà các vị thiền sư thường
dùng để tác động, kích thích tư duy ngõ hầu giúp người học giác ngộ, hiểu được
lẽ thiền:
Sơn cư sắc nạp thái hư không
Vạn tượng sâm la tận tại trung
Tả hữu phùng nguyên giai phật sự
Bất tiêu bổng hát, bất thi công
Núi non thu nạp
cả trời không.
Vạn vật bao la
thảy ở trong.
Trái, phải gặp
nguồn đều việc Phật,
Chẳng cần đánh
hét, chẳng ra công.
山居色納太虛空
萬象森羅盡在中
左有逢原皆佛事
不消棒喝不施功
Bổng là cây gậy ngắn. Hát
là hét to, gào, quát mắng. Bài thơ có ý nhắc đến chủ trương của giáo pháp Thiền
tông là không hoặc hạn chế dùng lời, tác động trực tiếp vào tâm để giác ngộ người
học (bất lập văn tự- trực chỉ nhân tâm).
Khi được các đệ tử vấn đạo, thiền sư thường trả lời rất ngắn gọn, thậm chí im lặng,
hoặc đánh, hoặc hét to,.. Tác động bất ngờ và mạnh mẽ đó được xem là một “cú
hích” nhằm khai mở trí huệ, khiến tâm bừng sáng, có thể ngay lập tức thức nhận
được chân lý không không
Ngoài ra, một số câu đối và thơ chữ Hán trong chính điện
và ở khu vực mộ tháp còn có nội dung ghi nhớ, thương tiếc, tán tụng công đức,
ca ngợi tài năng, phẩm hạnh của những người trụ trì đã hoằng khai giáo pháp, trùng
tu cảnh chùa, trong đó, có đức Phật thầy Đoàn Minh Huyên, người đã đóng góp nhiều
công sức cải cách phật giáo, tuyên truyền chính đạo, khuyến khích phát triển
nông nghiệp, giúp cho tên tuổi của Tây An tự vang xa khắp vùng đồng bằng:
Sinh tiền truyền y bát tuy vô tử nhi hữu tử;
Một hậu kế thế hương duy dã vong nhi bất vong.
Lúc sống truyền
y bát tuy không con mà như có
Khi chết nối
tiếng thơm tuy đã mất mà vẫn còn
生前傳衣鉢雖無子而有子
没後繼世香維也亡而不亡
Cải cách tăng đồ đề xướng tự do tuyên chính pháp;
Duy tân Phật học yêu cầu bình đẳng độ chúng sinh.
Cải cách tăng
đồ đề xướng tự do truyền bá chính đạo
Đổi mới phật học
yêu cầu bình đẳng tế độ chúng sinh
改格僧徒提唱自由宣正法
維新佛學要求平等度衆生
Bồi dưỡng thiện căn nhị thập niên lai viên quả kết;
Tư vinh bối diệp châu dư thế hạ giác hoa khai.
Bồi dưỡng gốc
thiện hai chục năm qua đà kết quả
Vun tươi bối
diệp một vùng trần thế đã khai hoa
培養善根二十年來圓結果
滋榮貝葉州餘世下覺花開
Phách vãng Tây phương tất thảo điêu tàn do vị tử;
Hồn quy thọ vực vân hoa lạc khứ hữu dư hương.
Phách đến Tây
phương cỏ ngát lụi tàn mà chưa mất
Hồn về cõi thọ
hoa thơm rơi rụng vẫn còn hương
魄往西方苾草凋殘猶未死
魂歸壽域蕓花落去有餘香
Bài thơ khắc trên mộ tháp được trích dẫn dưới đây cũng thể
hiện khá rõ tình cảm ngưỡng mộ, tiếc thương, ghi nhớ công đức của những thế hệ
trụ trì đã góp phần vun đắp, phát triển vai trò, vị thế của chùa Tây An đến tận
ngày nay:
Bảo phiệt từ hàng hằng tế chúng
Tháp lưu xá lợi ẩn tàng trung
Thanh lương pháp thủy trần hoàn sái
Tĩnh
cảnh an nhàn mãn nguyện chung
Bè quý thuyền từ thường độ chúng,
Tháp gìn xá lợi ẩn bên trong.
Rảy nước phép mầu ban trần thế,
An nhàn cảnh tĩnh việc đời xong!
寶筏慈航恒濟衆
塔留舍利隱藏中
清涼法水塵環洒
靜境安閑滿願終
Hoành
phi, câu đối, thơ chữ Hán,.. vừa là những dấu tích đặc trưng của một thời kỳ
văn hóa Hán học còn in đậm trong tổng thể kiến trúc cổ xưa vừa là các văn bản
được “thiêng hóa” trong không gian thờ tự. Chúng không chỉ thực hiện chức năng
giao tiếp giữa con người với thần phật mà còn là những châm ngôn chuẩn mực, những
lời giáo huấn cô đọng, hàm súc, có khả năng tác động tâm linh sâu xa, sức thuyết
phục mạnh mẽ và đặc biệt là có tầm phổ quát, truyền bá, lan tỏa rộng lớn. Trong
các văn bản mang màu sắc thần thiêng đó, người xưa đã gửi gắm những thông điệp
mang ý nghĩa triết lý, giáo dục sâu sắc nhằm giúp các thế hệ đời sau học tập,
rèn tính luyện tài, tu nhân tích đức, ngõ hầu tiếp nối giữ gìn, phát huy cơ
nghiệp của cha ông. Mặt khác, thông qua chúng, con người hiện đại còn có thể
hình dung được phần nào những nét đặc sắc trong diện mạo, đời sống vật chất và
tinh thần của tiền nhân. Nếu căn cứ vào các đặc điểm nêu trên, có thể thấy rằng
hệ thống văn bản chữ Hán ở chùa Tây An thực sự là một trường hợp tiêu biểu, có
giá trị, rất đáng lưu ý khi khảo sát, nghiên cứu di sản Hán Nôm ở tỉnh An Giang
nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Tháng
8/2018
Nguyễn Kim Châu
Bài đã đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 2.2019
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.
Giáo
hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2004), Từ điển phật học Hán Việt, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội.
2.
Khổng
Tử (2004), Kinh Thi (quyển 2), Tạ
Quang Phát dịch, NXB Văn học, Hà Nội.
3.
Sa
môn Đạo Nguyên (2006), Truyền đăng lục,
Lý Việt Dũng dịch, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
4.
Nguyễn
Liên Phong (1909), Nam kỳ phong tục nhơn
vật diễn ca, cuốn 2, Sài Gòn (bản ebook).
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1973), Đại Nam nhất thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt, tập Hạ (An Giang- Hà Tiên), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa, Sài Gòn.
[1]
Quốc sử quán triều Nguyễn- Đại Nam nhất
thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt, tập Hạ (An Giang- Hà Tiên)- Tu Trai Nguyễn
Tạo dịch, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa, Sài Gòn, bản in năm
1973, trang 38.
[2]
Nguyễn Liên Phong, Nam kỳ phong tục nhơn
vật diễn ca, cuốn 2, trang 95, Sài Gòn, 1909,
bản ebook. Khi trích, người viết đã giữ đúng nguyên văn chính tả (Tây
an) và chỗ lặp từ (Núi Sam trên núi cao xây)
[3]
Nhứt Thừa hòa thượng: tức Thiền sư Minh Võ, người tiếp nối trụ trì chủa Tây An,
sau Phật thầy Đoàn Minh Huyên.
[4]
Mơi: biến âm của từ “mai” theo cách nói của người Nam bộ.
[5]
Khi dẫn các văn bản, người viết không dịch sát nghĩa mà có ý dịch thoát để cố gắng
làm rõ tính chất văn chương của chúng.
[6]
Sa môn Đạo Nguyên, Truyền đăng lục,
Lý Việt Dũng dịch, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2006, trang 205
[7] Hoàng Mai: tức Hoàng Mai Hoằng Nhẫn,
Ngũ tổ Thiền tông Trung Hoa, nhận y bát truyền thừa từ Tứ tổ Đạo Tín.
[8] Niêm hoa đốn ngộ: hay Niêm hoa vi tiếu, điển
Phật giáo, xuất phát từ tích: Trong cuộc hội ở Linh Sơn, đức Thế Tôn giơ cành
hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng, không hiểu, chỉ có Ca Diếp rạng
rỡ mỉm cười. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học, Từ điển phật học Hán Việt, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội, 2004, trang 930.
[9] Linh Thứu: vùng đất thắng địa của Phật
giáo, nơi Phật Thích Ca thuyết pháp (núi Kỳ Xà Quật, Ấn Độ), nơi bế quan tu
hành của Nhiên Đăng cổ phật (Đại Tuyết phong, Lô Sơn, Trung Quốc)
[10] Bản lai chân diện mục (gương mặt thật
xưa nay): Mức cực độ trong pháp của Thiền môn, đó là tướng không của mọi sự vật
trước khi sinh ra thức. Từ điển phật học
Hán Việt, sách đã dẫn, trang 88.
[11] Lấy chữ từ bài kệ của Huệ Năng đối
đáp với Thần Tú, chép trong Truyền đăng lục:
“Bồ đề bổn vô thụ- Minh kính diệc phi
đài- Bản lai vô nhất vật- hà xứ nhạ trần ai” (Bồ đề vốn chẳng cây- Gương
sáng cũng không đài- Xưa nay không một vật- Bụi trần bám vào đâu?”, sách đã dẫn
trang 245.
[12] Diện mệnh nhĩ đề: lấy chữ từ Kinh Thi, phần Đại nhã, nghĩa là ân cần chỉ dạy, truyền bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét