Bài đăng nổi bật

DẤU ẤN CỦA TINH THẦN MỸ HỌC SINH THÁI TRONG TRIẾT THUYẾT LÃO TRANG

1. Khi bàn về “ Sinh thái học trong những nền văn minh cổ ”, Johnson Donald Hughes đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thờ...

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Bãi trâu thần

Trong ký ức tuổi thơ tôi, mỗi chiều là một cuộc chia tay. Khi mặt trời còn lại chút ánh sáng nhuộm đỏ bầm hàng cây trâm bầu ngoài ruộng, khi đám vịt chạy đồng bị lùa về chuồng, tiếng kêu xao xác lẫn trong tiếng ếch nhái uềnh oang, cha tôi ngồi ngoài bực cửa, tôi đi ra bãi sông, đứng nhìn mẹ tôi đẩy chiếc xuồng nhỏ xa bờ, nói với lại: “Vô nhà đi! Sáng, má về!”. Lần cuối tôi đòi theo là năm tôi vào lớp một. Từ đó, chiều nào, tôi cũng đợi bóng mẹ khuất hẳn bên kia bờ là nhảy xuống sông, mấy lần hụt chân, sặc nước thì bơi được. Nhưng sông rộng lắm! Sức một đứa trẻ sáu tuổi, dù biết bơi cũng không thể vượt qua, chỉ đứng ngẩn ngơ nhìn, cứ như nước đã cuốn mẹ tôi đi đâu mất…

Đêm bãi sông rất lạnh. Tôi cuộn mình như con tôm trên giường tre, lấy mền đậy kín mặt. Thảng đôi khi, nửa đêm thức giấc, tôi bật khóc rấm rứt. Nghe tiếng khóc, cha tôi vào buồng, ẵm tôi ra giường ngoài, nơi ông ngủ, rồi dỗ tôi bằng giọng nói nhừa nhựa của người bị suyễn kinh niên: “Ngủ đi! Ngủ đi!”. Ông không biết hát ru, dẫu có biết cũng chẳng có sức để hát! Tôi mếu máo hỏi: “Má đâu, ba?”. Cha tôi lặng thinh, lâu lắm mới nói: “Má đi làm! Ngủ đi, sáng, má về!”. Tôi vẫn không ngủ được, mơ hồ nghe tiếng gió rít ngoài sông, tiếng cỏ lác thở rì rào, tiếng chân những con vật to xác dẫm nặng nề trên lớp bùn non nhão nhoét. Tôi lơ mơ hỏi: "Tiếng gì vậy?". Cha tôi ra hiệu, bảo tôi làm thinh, rồi ngóng mắt nhìn ra ngoài sông qua kẽ hở cửa sổ, hèn lâu mới quay lại thì thầm: "Trâu thần lên ăn cỏ". Tôi lồm cồm bò dậy, mắt nhắm mắt mở, thò đầu ra ngoài. Chẳng thấy gì ngoài bóng đêm mịt mùng. Tôi ngơ ngác hỏi: "Có gì đâu?". Cha tôi cười: "Mày làm động, bầy trâu nhào xuống sông mất rồi". "Sao nhanh vậy!"- Tôi thở dài tiếc rẻ. Ông khoác tay: "Trâu thần mà. Thôi, ngủ đi!". Tôi nằm xuống, lim dim mắt, quên mất là mình vừa khóc vì nhớ mẹ. Trong trí tưởng tượng trẻ con chỉ còn chập chờn hình ảnh những con vật khổng lồ, sừng cong vút, dài hơn thuớc, nhọn hoắt, thường đi lên từ dòng sông vào những đêm trăng sáng. Lông chúng màu vàng nhạt, da trắng nhờ nhờ ướt đầm nước như lớp màn trong suốt, óng ánh. Thật nhẹ nhàng, tôi thấy mình ngồi trên lưng trâu thần, rẽ nước đi qua sông. Sông rộng không cùng, đi mãi, đi mãi chẳng bao giờ tới bờ… 

Đến sáng, khi mẹ tôi bơi xuồng về nhà, cha tôi lại ra ngồi ngay bực cửa, ánh mắt có lúc xa xám, ảm đạm, cứ nhìn mẹ tôi trân trối như một người khách lạ; có lúc lại giống hệt lửa cháy, cứ rừng rực khiến người nhìn phát sợ. Mẹ cúi đầu xuống, gương mặt hốc hác, mắt ngấn nước, đôi môi mỏng, khô nứt nẻ cứ run run chẳng biết đang mếu hay đang cười. Không có tiếng cãi vã, chửi mắng, chỉ có không khí yên lặng như đông cứng lại trong ngôi nhà côi cút trên bãi sông. Chợt nao lòng nghĩ: mẹ làm gì nên tội? Mẹ đi làm công cho nhà ông Bảy Trọc bên sông, từ chiều đến sáng hôm sau, những công việc lặt vặt: gánh nước, giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc cho đám con cháu nhà chủ. Tiền công dành để mua thuốc cho cha tôi. Không có thuốc, cơn suyễn hành hạ, ông sẽ vật vã cả đêm. Những lúc ấy, ông giơ cánh tay đập vào ngực: “Trời ơi, sao không chết đi cho rồi!”.

Tôi không giận mẹ, chỉ buồn một nỗi chưa bao giờ được đến chơi chỗ bà làm. Tôi đánh liều hỏi: “Má, cho con qua bển chơi nghen?”. “Không!”- Mẹ buột miệng nói như đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Tôi hỏi cha tôi: “Ba, cho con qua bển chơi thăm má, nghen ba?”. Ông nhìn tôi, mặt dại đi, ôm ngực ho rũ rượi, hèn lâu mới thều thào: “Không!”. Tôi đi ra ngoài bãi, nhìn dòng sông, tự hỏi: Có cái gì bên kia mà ai cũng giấu tôi? Có cái gì đó cha tôi biết mà tôi không thể biết??. Tôi có còn nhỏ nữa đâu, giờ đã 16 tuổi rồi, cái tuổi hiếu kỳ muốn biết tất cả những gì người lớn cố tình giấu giếm. Bao lần, tôi lén cha bơi qua sông mà chưa lần nào đến bờ. Tôi chỉ bơi tới giữa sông, hai phần ba sông, có lần chỉ còn cách bờ vài chục mét nước rồi… dừng lại. Nỗi sợ hãi thời nhỏ tràn về khiến đôi chân như căng cứng, tê dại. Thế là tôi bơi trở lại bờ bên này mà chốc chốc cứ ngoái nhìn bờ bên kia. Rồi giận và buồn, tôi nín thở, thụp đầu xuống nước, có cảm giác như bị quẳng vào một vùng tối nhờn nhợt, trơn ướt. Nỗi cô đơn vây bủa như tấm lưới đan nhặt xiết lấy con cá nhỏ. Những mắt lưới nhám, nhọn chà xát, xuyên thấu vào từng lỗ chân lông khiến da thịt nổi gai trong cảm giác ớn lạnh. Tôi vừa sợ vừa thích bởi ở đó, nước xoa dịu trái tim bức bối, khiến tôi cảm thấy thanh thản, yên bình.

Vẫn là một thói quen: Hễ dìm mình xuống sông là tôi mở mắt. Tôi hy vọng may mắn tìm thấy một vùng đất. Cha tôi kể: Nơi đó dưới đáy sông, chỗ vực xoáy nước cuộn tròn hình phễu, hút lấy và làm biến mất tất cả, từ chiếc xuồng ba lá xấu số đến mảnh lục bình trôi dạt. Có một vùng sáng loá, rực rỡ, dấu hiệu cho biết một cánh cửa đột ngột mở ngỏ chỉ dành cho những người dũng cảm, đầy khao khát và may mắn mới có thể nhìn thấy và bước vào thế giới thủy thần: Ở đó, bầu trời rất xanh, đôi khi rơi xuống cơn mưa hoa trắng li ti, lất phất bay, thoang thoảng hương. Một dòng sông cũng xanh, nước trong vắt, ngọt lịm và trên cánh đồng ngút ngàn có những con trâu thần nhởn nhơ nhai cỏ…

Chao ôi! Những thế giới chôn chặt niềm khát khao và uẩn khúc của cả một thời thơ ấu! Làm sao tới được khi người ta không liều lĩnh một lần? Đêm nay, tôi quyết lén cha bơi qua sông. Con nước ròng cuồn cuộn chảy, xô tôi mấy lần lệch hướng nhưng tôi không sợ, cứ bơi sấp rồi lại bơi ngửa. Vậy mà, khi cố tình vượt qua cái giới hạn đã mấy lần làm tôi nao núng quay về, tôi lại thấy nghẹt thở như có một mũi dao lách vào tim. Sao vậy?- tôi vừa bơi chậm lại vừa dè dặt hỏi một kẻ nhút nhát nào đó đang trì kéo trong con người mình- Tại sao phải trở về? Không! Dù nơi đó là thiên đường hay địa ngục thì tôi cũng phải đến bằng được

Tôi đứng lặng mấy phút rồi đi qua một khu vườn tạp, uềnh oang tiếng ếch nhái lẫn trong tiếng chó sủa từ xóm nhà lúp xúp le lói mấy ngọn đèn dầu. Tôi tìm được chỗ tốt, một cái lều chứa củi ở góc sân, nơi có thể nhìn rõ vài căn phòng còn sáng đèn. Gian trên rất rộng nhưng vắng lặng, ở đó, chỉ có một người đàn ông tóc bạc trắng nhưng gương mặt còn tráng kiện đang ngồi lắc lư trên ghế mây. Chái bếp lợp lá ở cuối sân là nơi mẹ tôi đang lui cui nấu một món gì đó trong chiếc nồi nhỏ. Nấu xong, bà múc thức ăn ra chén, bưng lên gian trên. Trong khi người đàn ông đang ăn, mẹ tôi qua bộ ngựa bên kia ngồi, với tay lấy chiếc áo màu xanh đơm nút. Ông ta nói một câu gì đó. Mẹ tôi ngẩng đầu lên, mỉm cười, nụ cười gượng gạo, xa vắng. Rồi ông ta lại gần, ngồi sát cạnh, ánh mắt dịu dàng, cánh tay quàng hờ sau lưng mẹ tôi. Không có người giúp việc vất vả, luôn tay luôn chân cơm nước, giặt giũ, lau dọn hay trông nom đám con cháu nhà chủ ồn ào! Trong ngôi nhà vắng, chỉ có người phụ nữ thư nhàn, hạnh phúc với cử chỉ âu yếm của một người đàn ông không phải là cha tôi!

Tôi thấy mắt cồm cộm, xon xót, phải dụi dụi mấy lần. Có cái gì đó vỡ vụn, thúc hối, giãy đạp khiến tôi đứng dậy, ngơ ngẩn tới đứng ở cửa cái, trân trối nhìn mẹ. Mẹ tôi ngửng đầu lên, điếng người, con mắt mở to, long lanh một giọt nước. Thật lạ, trong cái khoảnh khắc bung vỡ của khối u bị con dao rạch mạnh, lòng tôi lại trống trải như cánh đồng đêm hoang lạnh. Tôi quay người bỏ chạy, băng đùa lên gai góc, gạt ngã cây cành mà chạy. Tôi nghe tiếng mẹ gọi theo. Mẹ càng gọi, tôi chạy càng nhanh. Tôi nhảy ào xuống sông. Nước xộc vào mũi, vào miệng, vào mắt. Mặc, tôi vẫn cuống quýt quơ tay đẩy nước khi biết rằng mẹ tôi cũng lội xuống nước, bơi riết, đuổi theo.

Thốt nhiên, tôi dừng lại ở giữa dòng. Không, tôi chưa mệt! Sức vóc thằng con trai 16 tuổi đang sôi lên trong giận dữ khiến tôi có thể bơi hai lượt trên quãng sông này. Tôi dừng lại chỉ vì thấy mẹ tôi bị dòng nước mạnh xô lệch hướng rất nhanh về phía vực xoáy. Cánh tay bà chới với, tiếng kêu thất thanh ngập trong nước xiết. Tôi lao nhanh về phía mẹ, vừa bơi vừa khóc, hoảng loạn bởi ý nghĩ phải rượt đuổi từng giây với cái bóng ma dưới đáy nước đang quấn lấy mẹ tôi, lôi xềnh xệch. Hai trăm mét nước! Chao ôi, cái khoảng cách của sinh tử, của hận thù và tha thứ, căm ghét và yêu thương! Chưa bao giờ trong đời, tôi bơi nhanh như vậy. Tôi chộp được bàn tay mẹ, một điểm tiếp xúc quá nhỏ để nắm níu vật vã trong khi dòng nước hầm hừ giành giật mẹ tôi về phía nó. Mẹ ngoi lên rồi hụp xuống mấy lần, bàn tay cứ vùng vẫy muốn bật khỏi tay tôi, ánh mắt thất thần như một lời van lơn tôi hãy buông bà ra, tự cứu lấy mình. Không bao giờ! Tôi bậm môi, rướn tới, ôm được thân thể mẹ rồi kéo bà tách xa dần khỏi lực hút của dòng nước đang cuộn ào ào về vực xoáy giữa sông. Chính lúc đó, tôi cảm thấy tay chân rũ liệt, đầu óc lờ mờ. Dường như, có chiếc xuồng nhỏ từ trong lãng đãng bóng đêm bơi gần đến khiến tôi yên tâm, buông thõng cánh tay rã rời khỏi thân thể mẹ…

…Còn tôi ư? Đừng lo! Tôi bơi được mà! Cơ thể tôi mềm nhũn như cá, cứ bình bồng trong vùng nước lạnh và tối. Rồi thốt nhiên, tôi thấy ánh sáng!... Những luồng sáng rực rỡ từ một khoảng trống mông lung bất ngờ mở ra dưới đáy sông. Tôi bật khóc rồi cười như điên dại khi bơi xuyên qua vùng sáng đó và choáng ngợp trước một thế giới đột ngột bung mở, hiển hiện hết vẻ tráng lệ. Bầu trời rất xanh, từ đó rơi xuống cơn mưa hoa trắng, lất phất bay, thoang thoảng hương. Dòng sông xanh thẫm và cánh đồng mút mắt cũng mơn mởn một màu xanh kỳ lạ. Những con trâu thần nhởn nhơ đi bên cạnh tôi, lớp lông óng ánh như sợi vàng sợi bạc. Tôi chọn con to nhất đàn, leo lên lưng nó, cúi rạp mình xuống, áp má lên lớp lông vàng mịn, nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu, thật dài. Giấc ngủ thanh thản đến trong lúc tôi nhận ra một nỗi nhớ rất nhẹ lướt qua tiềm thức như cơn gió đi qua bãi sông những đêm trăng sáng khi bầy trâu thần lên ăn cỏ …

…Cha tôi kể khi tôi tỉnh lại rằng tôi đã mê man suốt hai ngày đêm, tay chân lạnh dần, chỉ có vùng ngực còn ấm chút sự sống bám víu, mỏi mòn. Nhưng, ngay cả khi mẹ tôi gần như mất trí vì tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng tôi sẽ không bao giờ chết. Vực xoáy nước ấy xưa nay, chưa tha cho ai bao giờ. Vậy mà cơ duyên đã xui khiến người đàn ông “bên kia sông” sau khi vớt được mẹ tôi, lại liều lĩnh bơi xuồng trở ra. Ông ta ngạc nhiên khi thấy nước không cuốn tôi xuống tận vực sâu mà đẩy tôi lên trên như một phép mầu.

Nghe cha kể, tôi cười một mình. Tôi biết chính con trâu thần đã đưa tôi trở về. Tôi không kể cho ai nghe những gì đã thấy, chỉ tự bảo vệ một điều xác tín rằng cha tôi đã nói đúng. Ở đâu đó dưới đáy sông kia, có một thiên đường chỉ dành cho những người dũng cảm, mạnh mẽ. Nhưng, thật lạ, chính lúc tìm thấy cái thế giới huyễn tưởng đã mê hoặc tôi suốt thời thơ ấu, trong tôi lại cuộn lên nỗi khát thèm quay lại trần gian. Tôi không hề ân hận khi trở lại bởi kịp nhận ra rằng: Chỉ có ở đây, trên cõi người đìu hiu này, tôi mới nhìn thấy được giọt nước mắt và nụ cười rất thực của những người tôi yêu./.

NGUYỄN KIM CHÂU

Đã đăng Tuổi trẻ cuối tuần - 2010


Nguồn ảnh minh họa: Internet

1 nhận xét:

  1. Đã ba năm nhưng cứ hễ đặt bút viết một truyện ngắn nào đó, tôi lại không thoát khỏi cái bóng của "bãi trâu thần". Không hiểu sao cái không gian đó lại có sức quyến rũ ma mị đến thế! Là người thanh niên trong truyện hay chính tôi đang bơi giữa dòng sông, rơi vào vực xoáy, đi đến khung trời tuổi thơ rồi leo lên lưng trâu, tôi cũng không biết nữa!
    Để rồi, duy chỉ có một điều, tôi tin rằng: một tác phẩm thành công không cần đến nghệ thuật Maketing, nó cứ tự tại là nó, thung dung gieo vào tâm hồn những người đồng điệu một ít trẻ thơ giữa những trưởng thành và trong đớn đau vẫn còn dịu ngọt. Ai bảo hiện thực thì không huyền ảo? Đọc "Bãi trâu thần", tôi lại nhớ về đồng quê với bầy trâu lội nước giữa đồng sâu rồi lội ra sông lớn, trông như những vị thần.

    Trả lờiXóa