Bài đăng nổi bật

DẤU ẤN CỦA TINH THẦN MỸ HỌC SINH THÁI TRONG TRIẾT THUYẾT LÃO TRANG

1. Khi bàn về “ Sinh thái học trong những nền văn minh cổ ”, Johnson Donald Hughes đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thờ...

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

VIÊN MAI BÀN VỀ THƠ NỮ TRONG “TUỲ VIÊN THI THOẠI”

Sự kết hợp giữa lý luận với phê bình khiến cho các tác phẩm thi thoại trong lịch sử văn học cổ điển Trung Hoa luôn có được sức hấp dẫn và ưu thế riêng. Nó giúp người viết có thể phát biểu những quan niệm cá nhân về thơ ca một cách sinh động và thuyết phục thông qua việc chọn lọc, bình phẩm những hiện tượng cụ thể để chứng minh cho các luận điểm khái quát có ý nghĩa đúc kết quy luật sáng tác và thưởng thức văn học. Xu hướng chung của các tác phẩm nổi tiếng như Lục Nhất thi thoại của Âu Dương Tu, Thương Lang thi thoại của Nghiêm Vũ (thời Tống); Tứ Minh thi thoại của Tạ Trăn (thời Minh); Đàm long lục của Triệu Chấp Tín, Khương Trai thi thoại củaVương Phu Chi, Thạch Châu thi thoại của Ông Phương Cương (thời Thanh),... là lựa chọn tác phẩm của những chân dung thơ tiêu biểu thời Hán, Nguỵ, Đường, Tống, hoặc những nhà thơ nổi tiếng đương thời làm đối tượng bình phẩm khen, chê hay dẫn dụng để chứng minh cho quan điểm nghệ thuật của người viết.

Tuỳ Viên thi thoại không nằm ngoài xu hướng đó. Những tên tuổi lỗi lạc trên thi đàn thời trước, hàng trăm thi nhân gồm những gương mặt tiêu biểu cho các thi phái đương thời, những vị quan chức triều đình, những người bạn tâm giao, những hàn sĩ lận đận khoa cử,... và đương nhiên là thơ của họ nữa, đều được Viên Mai chọn lọc, giới thiệu, bình phẩm trong cuốn thi thoại này. Sự khác biệt là ở chỗ ông không chỉ quan tâm đến những đối tượng nêu trên mà còn chú ý đến thơ của các nữ thi nhân đương thời, một lực lượng sáng tác đặc biệt, rất hiếm được nhắc đến trong truyền thống thi thoại trước đó. Việc đi sâu khảo sát, lý giải hiện tượng này hứa hẹn mở ra một góc nhìn khác, có khả năng làm sáng tỏ thêm các vấn đề cơ bản của thuyết tính linh cũng như khẳng định rõ phần đóng góp của Viên Mai đối với tiến trình văn học cổ điển Trung Hoa.
Có khoảng 200 thoại trực tiếp bàn về thơ của nữ thi nhân và một số thoại gián tiếp đề cập hoặc liên hệ, dẫn dụng thêm thơ nữ trong 1953 thoại, 26 quyển của Tuỳ Viên thi thoạiTuỳ Viên bổ di [1]. Trong các lời thoại, có thể tìm gặp những câu văn mở đầu với công thức chung phổ biến là khẳng định sự hiện diện đông đảo của lực lượng nữ tác giả đầy tài năng trên thi đàn, kiểu như: “ Các nhà thơ khuê tú rất nhiều mà thanh y lại ít” (Th73. q3); “Làng ta có rất nhiều bậc khuê tú tài nữ” (Th21. q3 TVBD); “Ở Hàng Châu có nhiều bậc khuê tú” (Th11. q4 TVBD); “Gần đây, thơ khuê tú và thơ phương ngoại đều có nhiều thơ hay” (Th36. q4 TVBD); “Thi nhân là khuê tú hiện thời rất nhiều” (Th58. q8 TVBD); “Nhà Thu Phàm thượng thư có nhiều người phụ nữ hay thơ” (Th63. q8 TVBD);...  Đối tượng được Viên Mai chọn lọc, giới thiệu, bình phẩm thi tài cũng hết sức đa dạng: từ các phu nhân (Th45.q2, Th25, 26, 42. q3, Th99, 104.q6, Th.2.q7...), tiểu thư trong những gia đình quyền quý (Th55.q6, Th9.q11, Th43.q16, Th20, 61.q1 TVBD, Th69.q3 TVBD,...) đến những cặp vợ chồng hay thơ rất thích đối đáp xướng hoạ cùng nhau (Th30.q4, Th60.q5, Th81.q8, Th71.q9, Th17.q6 TVBD, Th65.q8 TVBD, Th39.q10 TVBD...); từ vợ, con gái, các cô em gái, các nàng tiểu thiếp của tác giả (Th36, 37, 38, 39, 41. q10...), các nữ đệ tử theo học nghề thơ với tác giả (Th60, 76.q6, Th19.q1 TVBD, Th48.q5 TVBD, Th 56.q5 TVBD, Th2.q8 TVBD,...)  đến cả những cô hầu gái trong nhà (Th49.q4, Th.42.q12...); từ những danh kỹ thời trước và đương thời (Th111.q6, Th63.q7, Th28.q10...) đến những tài nữ mà tác giả nghe người khác kể lại hoặc trực tiếp gặp gỡ ngẫu nhiên trên những chặng đường đi trọng nhậm, du ngoạn hay thăm thú bạn bè (Th16.q5, Th70.q9, Th6.q14, Th44, 54.q2 TVBD, .. )...  Những kết quả thống kê nêu trên khả dĩ cung cấp một cái nhìn tổng thể về vị trí và mức độ quan tâm đặc biệt của Viên Mai đối với văn học nữ giới đương thời.
Hầu hết các lời bàn về thơ nữ của Viên Mai đều mang âm điệu tán dương rất nhiệt tình, trong đó, có thể tìm thấy từ Thoại 62.q1.TVBD một phát ngôn chính thức, đầy đủ và tiêu biểu nhất cho quan điểm của ông khi mạnh dạn giới thiệu và ca ngợi thơ của các nữ thi nhân: “Thường nói nữ tử không nên làm thơ, thật là lời nói hủ lậu, hẹp hòi. Thánh nhân lấy thơ Quan thư, Cát đàm, Quyển nhĩ đứng đầu ba trăm thiên (Kinh thi) đều là thơ của nữ tử[2]. Thói tục mà Viên Mai phê phán trong phát ngôn trên chính là những thành kiến nặng nề của lớp quan chức, trí thức bác học quen giọng cao đạo, thường xem ngôi đền văn chương là không gian độc quyền của nam giới và chỉ dành để tôn vinh nam giới. Ở chỗ khác, ông không tiếc lời mỉa mai một vị thượng thư đã tỏ ý khinh miệt cô ca kỹ Tô Tiểu, khiến cho mọi người chứng kiến đều bật cười tán đồng: “Nếu xem ngày nay thì ngài là quan nhất phẩm, Tô Tiểu chỉ là cô ca kỹ hèn mọn. Chỉ sợ trăm năm sau, người ta chỉ biết có Tô Tiểu mà không biết đến ngài vậy[3] (Th32.q1). Xuất phát từ tấm lòng yêu mến, trân trọng và nhận thức phóng khoáng đó, Viên Mai không tiếc lời ngợi ca các nhà thơ nữ.  Giới thiệu thơ của một kỹ nữ tặng người tình, ông kết lại bằng lời bình ngắn gọn: Thật là những “câu thơ tình cảm” (Th48/q1). Trích thơ của hai nàng Nhã Nghi và Hương Nghi ở Th62.q1 TVBD, ông khen thơ hai nàng “có giọng điệu thanh nhã, điêu luyện, đáng đọc” (Giai thanh diệu khả tụng), nhân đó để nhấn mạnh vai trò của thi tài: “Có sắc mà không có tài thật là không thể được” (Dĩ sắc vô tài, đoạn hồ bất khả). Thậm chí, đề cao các bậc khuê tú tài nữ ở làng mình, lời khen của ông còn có phần cường điệu khi gọi họ là những “phi tướng trên thi đàn” (Giai thi đàn phi tướng dã- Th21/q3 TVBD). Ngoài ra, những lời khen kiểu như: “Giọng thơ tự nhiên, thanh thoát” (Th36/q3 TVBD), “Thanh nhã, khéo léo” (Th40/q4 TVBD).... xuất hiện không ít trong mạch văn bình giá về chất lượng nghệ thuật của thơ nữ đương thời. 
Những bài thơ được trích dẫn tương ứng với lời khen tặng thể hiện rõ quan niệm về thơ của Viên Mai mà cụ thể là thuyết tính linh, phần quan trọng cấu thành hệ thống lý luận cho một trong những thi phái nổi tiếng thời Càn Long. Chốt lại trong ba yếu tố cốt lõi: chân tình, cá tính và thi tài, thi luận Viên Mai hướng tới việc phản bác quan niệm sáng tác chỉ nhằm thực hiện chức năng thi giáo hay xu hướng học tập sách vở, bắt chước cổ nhân một cách cực đoan và ca ngợi tình cảm chân thành, tài hoa, phong cách độc đáo của người nghệ sĩ. Vì vậy, khi giới thiệu thơ nữ giới đương thời, ông đặc biệt đề cao vai trò của tình cảm và thần hứng bột khởi tạo thành nguồn động lực linh diệu thôi thúc từ bên trong tâm hồn, giúp tài năng và cá tính của nữ thi nhân toả sáng. Những hoàn cảnh thương tâm khiến lời thơ của các tài nữ vừa có hình ảnh, cách nói độc đáo, vừa mang giọng điệu tự nhiên mà đầy cảm xúc như tiếng “sáo trời” (Thiên lại)[4]. Kỹ nữ tặng người tình bài thơ khi chia tay, hẳn nhiên thơ nàng cũng đẫm nước mắt như thơ ly biệt từ ngàn năm qua, có khác chăng là hình ảnh độc đáo: Lúc lên đường, mấy giọt nước mắt nhớ thương rơi xuống thềm thu thành hoa hải đường:
Lâm kỳ kỷ điểm tương tư lệ
Trích thướng thu giai phát hải đường” (Th48.q1)
Chu phu nhân, bà vợ cả của quan Phương bá Diệp Bội Tốn, làm thơ vịnh mùa hạ có những hình ảnh tân kỳ, thể hiện sự nhạy cảm thiên phú ở người phụ nữ khi miêu tả khoảnh khắc giao mùa và vẻ đẹp loé sáng kỳ diệu của thiên nhiên trước lúc xuân tàn:
“Hoa nhân từ thụ thiên đa thái
Điểu vị thôi xuân dĩ biến thanh” (Th21.q3.TVBD)
(Hoa bởi sắp lìa cành nên thêm vẻ đẹp- Chim vì muốn giục xuân đi nên đổi giọng ca)
Không có tình cảm chân thành, sao viết được những lời thơ xúc động đến vậy! Cho nên, Viên Mai đặc biệt yêu thích các bài thơ “ngôn tình” [5], thường cho rằng: “Thơ dùng ý quan trọng nhất là tình phải sâu” (Th66.q8), chân tình là yếu tố vượt lên trên kỹ thuật làm thơ, dẫu khéo đến mấy, thơ cũng không thể nói hết nỗi sầu. Quan điểm này được minh chứng bằng lời thơ của nàng Từ Anh Ngọc trong Th52.q2:
Mạn thuyết cùng sầu, thi tiện hảo
Toán lai thi bất địch sầu đa
(Hay nói rằng sầu càng nhiều, thơ càng hay- Tính lại, thơ không hơn được nỗi sầu”
Đọc những lời bình về thơ nữ của Viên Mai có thể thấy rõ nội hàm của chữ “linh” trong khái niệm “Tính linh” nhằm để chỉ hứng thú mãnh liệt (hứng hội sở chí dị vu thành thiên), những linh cảm chỉ xuất hiện khi có ngoại vật tương thông hoặc có sự thống nhất giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên, “hốt nhi đắc chi[6] , tình cảm u uất liễm kết triền miên trong tâm, thốt nhiên, được khơi thông bởi một cú hích tâm lý, một cú sốc số phận bất ngờ để bung trào, tuôn chảy thành những dòng thơ tràn đầy cảm xúc. Ngoài ra, ở vài trường hợp, khái niệm “tính linh” còn được Viên Mai sử dụng để chỉ những tiên cảm siêu nghiệm về số phận hẩm hiu trong tương lai đã khiến cho thơ người tài nữ mang âm điệu não nùng. Chẳng hạn, khi giới thiệu thơ của nàng Khổng Tĩnh Đình, ông nhấn mạnh: “Các bài thơ chỉ do tính linh mà phát xuất” (giai tính linh độc xuất) và dẫn bài thơ vịnh sen tàn tả kiếp hoa ngắn ngủi như một dự báo chẳng lành:
“Phong tư tạc dạ thượng kham khoa
Khai lạc vô đoan hận chuyển gia
Tảo thức kim phiên thôi thái cấp
Bất như tiền nhật bất khai hoa” (Th14.q7.TVBD)
(Hôm qua vẻ đẹp vẫn còn phô sắc- Nở tàn thật vô thường khiến thêm mối hận- (Nếu) sớm biết gấp gáp như vậy- (Thì) chẳng bằng hôm trước đừng nở hoa)
Viên Mai nói thêm: “Tháng bảy, nàng vì sinh nở mà mất. Người xưa nói thơ có thể là sấm, thật đáng tin chăng?” (Thất nguyệt gian, cánh dĩ sản nan vong, cổ nhân sở vân thi sấm, kỳ tín nhiên da)
Ở một thoại khác, ông giới thiệu bài thơ ngắm trăng của nàng Hứa Nghi Anh, lúc đó mới bảy tuổi. Thật khó tin một cô bé lại viết được những câu thơ hàm chứa tình ý sâu sắc đến vậy nếu không có những rung cảm linh diệu và tài năng thiên phú:
“Nhất chủng nguyệt đoàn loan
Chiếu sầu phục chiếu hoan
Hoan sầu lưỡng bất trước
Thanh ảnh thướng lan can” (Th20.q3)
(Một bóng trăng tròn- Chiếu cả buồn lẫn vui- Vui hay buồn, trăng nào để ý- Bóng trong trẻo hiện trên lan can).
Thơ hay nhưng ẩn chứa niềm u khuất nên nỗi cha nàng đọc thơ xong phải cất tiếng than rằng: “Con bé này có cốt cách cao quý nhưng tiếc là phúc bạc”. Quả nhiên, sau này, nàng gặp mẹ chồng ác nghiệt phải tìm đến cái chết giải thoát đầy tức tưởi. Một cô gái khác tên Trần Thục Lan biết được câu chuyện thương tâm nêu trên đã làm thơ trách người chồng của Hứa Nghi Anh để rồi mười năm sau, Thục Lan cũng tự tử vì “thủ tiết theo chồng”. Đúng là “Từ xưa, mối thương tâm cũng cùng một bệnh cả- Nỗi buồn sâu đậm thường đến với kẻ có tài[7]
Tình và tài hẳn nhiên là có quan hệ chặt chẽ nhưng trong thuyết tính linh còn có một yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng. Đó là tính, một khái niệm thường xuất hiện song hành với tình trong rất nhiều lời bình thơ của Viên Mai với nội hàm chủ yếu xoay quanh vấn đề cá tính của người nghệ sĩ [8]. Khi xây dựng tự dạng của chữ tính () và tình () trên nền của “tâm”, tư duy Trung Hoa cổ thừa nhận nguồn cội chung của hai yếu tố này là trái tim, là thế giới tâm hồn của con người. Tuy nhiên, nếu tình chủ yếu dùng để chỉ những trạng thái cảm xúc, những hỷ nộ ái ố đời thường ai cũng có, thì tính lại dùng để chỉ bản chất, tính cách được hình thành bởi những đặc điểm tâm lý riêng và ổn định chi phối mọi ứng xử của cá nhân, tạo nên sự khác biệt, thậm chí độc đáo đến mức, có thể xác định một “cái tôi” không hoà lẫn trong đời sống và trong thơ ca. Thiên “Thể tính” trong Văn tâm điêu long cho biết rằng từ rất sớm, các nhà lý luận văn học cổ Trung Hoa đã quan tâm đến vai trò của tình cảm, sở học và nhất là khí chất, tính tình đối với việc hình thành phong cách nghệ thuật của nhà văn: “Văn từ lý lẽ tầm thường hay độc đáo không thể tách rời tài năng của con người; phong cách hứng thú, mạnh mẽ hay nhẹ nhàng lẽ nào khác được khí chất của tác giả; sự việc nêu lên hoặc cạn hoặc sâu chẳng hề có khác với sở học; thể thức nhã chính hay tệ hại, hiếm có ngược lại với tính tình”. Hẳn nhiên, sự đúc kết những hiểu biết về phong cách nghệ thuật trong giai đoạn này chỉ đơn giản quy vào nét khác biệt, độc đáo, “mỗi người đi theo một lối riêng, khác nhau như từng gương mặt[9].
Tiến một bước rất dài so với Lưu Hiệp, Chung Vinh và các thi nhân thuộc nhóm “Công An phái” thời Minh, Viên Mai cực đoan hoá vai trò của khí chất, cá tính khi nhấn mạnh “cái tôi” ngay trong thời đại mà tiếng nói tính linh của con người cá nhân vẫn còn bị chìm lấp, nhạt nhoà như cái bóng của Lý, Đỗ, Âu, Tô, bởi sự thịnh hành của lối học từ chương, say mê dẫn dụng điển ngữ, bắt chước người xưa, sao chép khuôn mẫu. Ông tuyên bố rất mạnh mẽ rằng: “Làm thơ không thể không có cái tôi, không có cái tôi thì dễ mắc bệnh cóp nhặt phô diễn[10], “Nếu chỉ học theo cổ nhân thì làm sao thể hiện cái tôi của mình[11], mô phỏng cổ nhân cho thật giống thì cũng chỉ là “áo mão bọn phường tuồng”, mà không giống thì như “vẽ cọp giống chó[12]. Cho nên, muốn có thơ hay, tất tình phải chân thành, mãnh liệt và tính phải có nét riêng, độc đáo. Quan điểm này chi phối nhất quán trong Tuỳ Viên thi thoại và đương nhiên, cũng được thể hiện rõ trong cách chọn lọc, bình phẩm thơ của nữ thi nhân.
Hầu hết chân dung các bậc khuê tú tài hoa được nhắc đến trong tập thi thoại của Viên Mai thường có đặc điểm chung: phong vận thanh nhã, vừa tài hoa vừa đầy cá tính. Viên Mai rất thích ca ngợi điều đó. Sự tâm đắc, ngưỡng mộ của ông có khi được bộc lộ rõ qua những lời bình phẩm ngắn gọn, đích đáng, hàm chứa thái độ đồng tình, bênh vực, sẵn sàng đứng về phía người phụ nữ. Chẳng hạn, ở Th 37.q4, tác giả tỏ ra rất thích thú khi ca ngợi bản lĩnh, tài ứng đối của cô gái họ Lý đất Tô Châu, dám làm thơ đáp trả người chê mình có bàn chân to. Trong một tình thế hoàn toàn bị động khi ra mắt người định cưới mình làm hầu thiếp, lại bị người đó trêu cợt, yêu cầu làm bài thơ vịnh chiếc cung hài (hài nhỏ dành cho người bó chân), nàng đã làm anh ta phải “hoảng sợ mà thối lui” (tủng nhiên nhi thoái) bằng những câu thơ ứng khẩu cực kỳ thông minh và táo bạo:
“Bất tri khoả túc tùng hà khởi
Khởi tự nhân gian tiện trượng phu”
(Không biết tục bó chân do đâu mà có- Hẳn là do bọn đàn ông tầm thường trên đời”
Có khi Viên Mai không nêu một lời bình luận nào, chỉ giới thiệu hoàn cảnh đặc biệt và chép lại bài thơ tuy nhiên, qua đó vẫn thấy bóng dáng của nhà phê bình thơ đặc biệt yêu mến và trân trọng vẻ đẹp sâu sắc, đằm thắm trong tâm hồn người phụ nữ. Trường hợp sau đây là thơ của người vợ trách khéo anh chồng đểnh đoảng, đi xa, gửi thư về thăm vợ mà lại gửi nhầm một tờ giấy trắng:
“Bích sa song hạ khải giam phong
Xích chỉ tùng đầu triệt vĩ không
Ưng thị tiên lang hoài biệt hận
Ức nhân toàn tại bất ngôn trung” (Th 71.q9)
(Trong khung cửa sổ, mở phong thư- Tờ giấy từ đầu đến cuối không có một chữ gì- Hẳn chàng ôm mối hận biệt ly- Nhớ người đến độ nói không nên lời)
Nàng Điều Lang Vân chỉ cần hai câu thơ đã giành được thế thượng phong trong cuộc đối đáp thi ca với người chồng vốn là một nho sinh khí tiết và đầy lòng kiêu hãnh. Nàng không cúi xuống, “cử án tề mi” như đa phần phụ nữ yếu đuối chấp nhận thiết chế chồng chúa vợ tôi mà buộc chồng phải cúi xuống trước mình:
“Hợp tuyến phiền quân thân thực chỉ
Thập thoa vị ngã khuất nho cung” (Thoại 68.q8 )
(Thiếp se chỉ, nhờ chàng giơ ngón tay trỏ lên- Vì ta nhặt hộ thoa thì chàng phải cúi tấm lưng nhà Nho xuống)
Lý Phu nhân, bà kế thất của quan Phương bá Diệp Bội Tốn có những câu thơ hay đề sau tập thơ của Lý Bạch, tình ý cao kiện, phóng khoáng, được Viên Mai khen tặng là “nhất khí” (ý và lời đều mạnh):
“Thiên nhận tường cô phụng
Cao ca nhất đại trung” (Th 21.q3 TVBD)
(Chim phượng bay cao nghìn nhận- Hát cao tiếng cho mọi thời đại) 
Ở Thoại 59.q9, Viên Mai ghi nhận một vụ kiện khá kỳ lạ mà ông từng xử lý khi giữ chức tể ở Thuật Dương: Một cô gái tài sắc, con nhà quan, da dẻ mịn màng như ngọc lại tư thông, bỏ nhà trốn theo một chàng trai xấu xí làm nghề khâu đồ da. Cuộc trốn chạy bất thành, cả hai bị bắt quỳ để tra hỏi ngoài sân giữa tiết tháng sáu, nắng dữ. Tình cảnh trái ngang và nhất là khí cách mạnh mẽ của cô gái sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả khiến tác giả chạnh lòng và cảm phục, chỉ xử đánh chàng trai rồi tha cho cô gái về nhà. Lục rương hòm của cô, thấy có bài khuê từ, tác giả chép lại hai câu thơ:
“Tiêu tâm tử hậu do toàn quyển
Liên tử sinh thời tiện đảo hàm
(Cây chuối dù chết ruột vẫn cuộn lại- Hạt sen lúc sinh ra, nhân đã nằm ngược)
Một cô gái có khí chất cứng cỏi như thế, một ý thức cá nhân khao khát tự khẳng định chân tính đẹp đẽ và không chấp nhận khuất phục như thế mới có thể viết được những câu thơ xuất thần. Tiếc thay, tài cao mà phận bạc. Quy luật “tài mệnh tương đố” như nỗi ám ảnh day dứt trong nhiều lời bàn về thơ nữ cũng xuất hiện ở thoại này khi tác giả cho biết thêm rằng, mấy tháng sau, cô gái bị một tên vô lại đem bán sang tỉnh Sơn Đông, từ đó biệt tích trong kiếp đoạn trường.
Đây là những trường hợp tiêu biểu thể hiện rõ quan niệm của Viên Mai về vai trò của cá tính người nghệ sĩ, một trong những yếu tố căn cốt làm nên vẻ đẹp thơ ca. Thơ của các phu nhân, thiếu phụ, tiểu thư, ca kỹ,.. nhưng đầy góc cạnh, mạnh mẽ, sắc sảo, tài hoa, không mềm mại, ẻo lả, bi luỵ trong màn trướng khuê phòng hay than hoa tiếc nguyệt như nếp nghĩ quen thuộc về đặc điểm của tính nữ. Đó là biểu hiện của chân tính, của “cái tôi” tự ý thức được bộc lộ hồn hậu và chân thành, không bị gò ép, tiêm nhiễm bởi lối học cử tử, “thuật nhi bất tác” hay uốn éo, kiểu cách, bắt chước để tự biến mình thành một người khác như căn bệnh của nhiều người làm thơ đương thời mà Viên Mai thường phê phán trong Tuỳ Viên thi thoại. 
Vấn đề cần được đặt ra tiếp theo là vì sao ông lại có sự quan tâm đặc biệt đối với thơ nữ đến vậy? Muốn lý giải điều này, trước hết phải xuất phát từ thi luận của Viên Mai. Tính, tình và tài, ba yếu tố cơ bản của thuyết tính linh, xét đến cùng, đều có gốc rễ từ trái tim. Mà trái tim phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm, thế giới tâm hồn họ đằm thắm, mềm mại, tinh tế, suy nghĩ của họ sâu sắc, kiến văn, bản lĩnh của họ quảng bác và mạnh mẽ không kém gì nam giới nên thơ của các nữ thi nhân qua lăng kính của Viên Mai, hầu hết đều lấp lánh vẻ đẹp của sự tao nhã, phóng khoáng, tài hoa, đầy cá tính. Thơ nữ giới, vì vậy, thực sự là những minh chứng hùng hồn cho thuyết tính linh mà ông trung thành theo đuổi suốt một đời. Đó là nguyên nhân cơ bản giải thích vì sao ông dành cho thơ nữ một vị trí riêng trong Tuỳ Viên thi thoại. Mặt khác, có thể tìm thấy một nguyên nhân đáng chú ý nữa khi chiếu ứng thi luận và sáng tác của Viên Mai với chính cuộc đời và tính cách của ông, một nhà nho nghệ sĩ, một tài tử phóng khoáng, đầy bản lĩnh, dám khẳng định “cái tôi” của mình ngay trong thời đại mà đa số người làm thơ vẫn chưa dám bứt phá, vượt thoát khỏi áp lực của quan điểm sùng cổ, tập cổ cực đoan. Thanh sử cảo cho biết rằng: Viên Mai là người có cái nhìn cởi mở, phóng khoáng, “rất thích thanh sắc”, đương thời “trên thì những bậc công khanh dưới thì những kẻ chợ búa, khuân vác, buôn bán đều biết danh ông[13]. Một người như vậy, hẳn nhiên sẽ mạnh dạn bẻ hướng ra khỏi quỹ đạo của tư tưởng chính thống, công khai bênh vực người phụ nữ và đưa thơ của họ vào một tác phẩm thi thoại danh giá để tán dương nhiệt thành.
Hẳn nhiên, thơ nữ chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong Tuỳ Viên thi thoại  nhưng vấn đề không ở số lượng mà quan trọng hơn là ở tư tưởng phóng khoáng và tấm lòng yêu mến, trân trọng của Viên Mai khi giới thiệu chân dung của các nữ thi nhân. Với ông, thơ họ cũng sâu sắc, tài hoa và cá tính không thua thơ của nam giới, thậm chí còn có những màu sắc, tiếng nói riêng do không bị ràng buộc bởi tinh thần cứng nhắc, rập khuôn, luôn tìm cách khống chế sự bộc lộ “cái tôi” của nền giáo dục khoa cử  đương thời. Vì vậy, thơ nữ chính là phần thực tiễn sáng tác sinh động ứng hợp với nhu cầu đúc kết lý luận và minh chứng cho thuyết tính linh của Viên Mai. Mặt khác, các tư liệu về thơ nữ được giới thiệu trong Tuỳ Viên thi thoại  còn có ý nghĩa về mặt lịch sử văn học bởi qua đó, ta có thể đánh giá được phần nào đóng góp của văn học nữ giới trong việc xây dựng nên kiến trúc tổng thể phong phú của văn học đời Thanh. Mảng văn học này chưa bao giờ được chú ý một cách đầy đủ và thoả đáng trong những công trình lý luận phê bình văn học trước Viên Mai.

 Nguyễn Kim Châu
Tháng 8.2013
Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học- Viện Văn học- số 3- 2014.

Chú thích:



[1] Các trích dẫn trong bài viết đều lấy từ nguyên tác Tuỳ Viên thi thoại- Viên Mai- Nhân Dân văn học xuất bản xã- Bắc Kinh- 1982. Ngoài ra, người viết có tham khảo thêm bản dịch Tuỳ Viên thi thoại của Trương Đình Chi- NXB Văn Nghệ- TPHCM- 2002 và bản dịch Tuỳ Viên thi thoại của Nguyễn Đức Vân- NXB Giáo Dục- Hà Nội- 1999 (Các bản dịch này đều chỉ giới thiệu một số thoại trong Tuỳ Viên thi thoại). Để tiện trình bày, người viết chọn cách viết tắt như sau: Th (Thoại), q (quyển). Nếu thoại được trích dẫn nằm trong phần thượng, người viết chỉ ghi: Th...q.... Nếu thoại được trích dẫn nằm trong phần Tuỳ Viên bổ di, người viết sẽ chú thích thêm: TVBD.  
[2] Nguyên văn: “Tục xưng nữ tử bất nghi vi thi, lậu tai ngôn hồ. Thánh nhân dĩ Quan thư, Cát đàm, Quyển nhĩ quan tam bách thiên chi thủ, giai nữ tử chi thi
[3] Nguyên văn: “Tại kim nhật quan, tự nhiên công quan nhất phẩm, Tô Tiểu tiện hĩ. Thành khủng bách niên dĩ hậu, nhân đãn tri hữu Tô Tiểu, bất phục tri hữu công dã
[4] Lời bình của Viên Mai khi giới thiệu thơ của nữ sĩ Chu Văn Dục (Th20.q7 TVBD)
[5] Nguyên văn: “Ngô tối ái ngôn tình chi tác” (Th82.q10)
[6] Trích bài viết “Thế nào là thuyết tính linh của Viên Mai” (什 么 是袁 枚 的 性 靈 說 ?) của Vương Anh Chí- Cổ điển văn học tam bách đề- Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã xuất bản và phát hành, 1986, trang 808.
[7] Nguyên văn: “Tự cổ thương tâm đồng thử bệnh- Thâm sầu đa phó hữu tài nhân” - Thơ của nàng Thạch Học Tiên trích từ Th35.q3.TVBD.
[8] Chữ “cá tính” cũng được sử dụng trong mục giới thiệu tác giả Viên Mai - Trung Quốc lịch đại nhân danh từ điển- Giang Tây giáo dục xuất bản xã 1989, nguyên văn “Sáng tác giảng cầu tính tình, cá tính”- Trang 985
[9] Lưu Hiệp- Văn tâm điêu long (Thiên “Thể tính”)- Trần Thanh Đạm, Phạm Thị Hảo dịch, Trung Tâm nghiên cứu Quốc học, NXb Văn Học, Hà Nội, 2007, trang 337.
[10] Nguyên văn: “Tác thi bất khả dĩ vô ngã, vô ngã tắc phiêu tập phu diễn chi tệ đại” (Th18.q7)
[11] Nguyên văn: “Cánh tự cổ nhân, hà xứ trứ ngã” – Tục thi phẩm (Thiên “Trứ ngã”)- Viên Mai
[12] Nguyên văn: “Hảo mạc phỏng cổ nhân giả, thiết chi tựa, tắc ưu mạnh y quan, thiết chi bất tựa, tắc hoạ hổ loại cẩu” (Th8.q3)
[13] Trích ý từ đoạn nguyên văn: “Thượng tự công khanh, hạ chí thị tỉnh phụ phán, giai tri kỳ danh. Hải ngoại Lưu Cầu hữu lai cầu kỳ thư giả. Nhiên Mai thiện thanh sắc, kỳ sở tác diệc phả dĩ hoạt dị hoạch thế phúng vân”- Thanh sử cảo, quyển 485. Tài liệu e- book (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/qingshigao/qsgx_485.htm).





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét