Ở cái làng nhỏ ven bờ sông Hậu này đã xảy ra rất nhiều sự kiện đến
mức, người ta phải tập quên đi những sự kiện không đáng nhớ hay có thói quen cố
làm sống lại một sự kiện nào đó trong thăm thẳm ký ức hao mòn bằng việc nối nó
với một sự kiện khác vừa diễn ra. Tỷ như, người làng sẽ mãi mãi quên đi một vụ
án mạng xảy ra từ nhiều năm về trước nếu không có một ngày mưa bão, sấm chớp
đánh sạt lở một góc chái sau của ngôi đình Thành Hoàng.
Khi mưa tạnh, mọi người
không hẹn mà cùng chạy ra đó, tận mắt chứng kiến một cảnh tượng tan hoang chưa
từng có: gạch đá vỡ vụn, những thân cột tròn, những thanh gỗ xà nhà gãy đổ, xớ
gỗ bị xé nát ứa ra một dòng nhựa đỏ như máu và trong vắt như hổ phách. Mấy
người đàn bà kháo nhau: Thiên lôi chỉ đánh những nơi có quỷ. Những đứa trẻ tò
mò chạy tràn vào đống gạch đá đổ nát nhưng chẳng tìm được gì ngoài một tờ báo
cũ. Chúng không biết đọc nên phải đưa lại cho người trung niên. Ngay từ phút
đầu tiên, anh ta đã sửng sốt nhìn tấm ảnh in ở góc phải dưới cùng của tờ báo bên
cạnh dòng chữ “truy nã”. “Một tên cướp”- Anh ta lẩm bẩm trong lúc, rất vô tình,
nhìn thật lâu khuôn mặt trong ảnh.. Rồi như nhớ ra một điều gì đó, anh đưa tờ
báo cho nhiều người khác. Họ cũng gật đầu thừa nhận sau một lúc bóp trán, cố
lôi trong ký ức hỗn độn ra một người trùng hợp. Đúng rồi! Hắn đấy! Gã diễn viên
phóng dao trong gánh xiếc của bầu Trung ngày nọ! Lập tức, khắp nơi rộn lên
những tiếng xì xầm: “Nó đó!”. “Đúng nó rồi!”. “Cái thằng tàn ác!”. “Vậy mà dạo
nọ, chục đứa con gái làng này mê nó đủ chục!”…
Cứ thế, gánh xiếc tầm tầm ngày nọ dần hiện rõ trong tâm trí mọi
người hệt như, trên con đường lưu diễn đây đó dọc miền sông nước đồng bằng, nay
mai thôi, nó sẽ lại qua đây, lại đóng quân ở chỗ cũ, mé chái sau của ngôi đình
Thành Hoàng, lại ồn ĩ, náo động, khuấy lên cái không khí lắng đọng, u trầm cố
hữu của khu chợ quê, của mái đình quanh năm quạnh khói tàn hương. Có cái gì đó mới
mẻ hơn kho cổ tích trong trí nhớ đáng nể của những ông già quen lấy chuyện làm
quà cho trẻ nhỏ lúc chiều xuống. Một khuôn mặt, nó gợi nhớ đến nhiều người
khác, nhiều điều khác từng một thời làm xáo động cả một vùng quê yên ả: một gã
bầu gánh nhỏ thó, miệng lúc nào cũng cười toang hoác, cái cười chực móc túi
thiên hạ; một gánh cao đơn hoàn tán được quảng cáo là trị bá bệnh nhưng lại
giống như thứ cơm nguội quết nhuyễn trộn với đường nấu cháy khét, cứ đen thủi
như cứt dê; một nhúm người chưa đủ chục, cả nam lẫn nữ chuyên múa đao thương và
bài mai hoa quyền ở trình độ vỡ lòng; đặc sắc nhất, đáng đồng tiền bát gạo nhất
chỉ có màn xiếc phóng dao của cô gái câm lúc nào cũng mặc bộ đồ võ phục màu
trắng và gã thanh niên có khuôn mặt điển trai nhưng đen đúa, lầm lì.
Người ta kể rằng cặp diễn viên ấy đã mang về cho bầu Trung biết bao
tiền bạc. Đúng vào lúc toàn bộ thành viên trong đoàn ngoắc ngoải vì đói, đúng
lúc bầu Trung chuẩn bị bán chiếc thuyền, phương tiện di chuyển duy nhất của
đoàn cho một gã phú hộ với giá rẻ mạt thì hắn đến, không tên tuổi, không lai
lịch, không một nụ cười, chỉ có nghề phóng dao đặc sắc. Hắn làm thinh, tìm hòn
than, vẽ sơ sài đường giới hạn của hình người trên ván thuyền, đứng ra xa mươi
bước rồi phóng liên tiếp mười mấy con dao găm sáng loáng. Tất cả đều ghim đúng
vào nét vẽ mảnh mai trên ván trước chục cặp mắt mở to, sửng sốt của đám người
đang ủ rũ vì đói và tuyệt vọng. Bầu Trung cười như mếu, nụ cười của kẻ sắp chết
đuối chụp được mảnh ván thuyền. Một cuộc tuyển lựa diễn viên và dàn dựng buổi
diễn nhanh chóng được tổ chức và nỗi lo mới đã sớm hình thành. Tất cả diễn viên
gạo cội trong gánh đều không chịu được đến mũi dao thứ hai. Họ qụy xuống, hoặc
bỏ chạy, hoặc kêu thét lên ngay sau cú thót tim khi mũi dao đầu tiên cắm chếch
đỉnh đầu họ một khoảng cách vừa đủ đặt ngón tay trỏ vào. Và hắn, con người có
tài phóng dao kỳ diệu ấy, lạnh lẽo nở một nụ cười khinh bỉ bản chất yếu đuối
muôn thuở của loài người. Chính lúc ấy, cô gái câm xuất hiện. Người ta quên
bẵng đi cô gái chuyên làm công việc tạp dịch, cơm nước, thỉnh thoảng xuất hiện
trong vòng diễn chỉ để lo phần đạo cụ cho các diễn viên. Cô đứng sát vào
vách thuyền, can đảm để cho mười mấy
lưỡi dao đùa giỡn sát cạnh da thịt mình. Nhờ cô mà mọi người mới được chứng
kiến trọn vẹn màn diễn mà kết cục là cả thân người cô bị khóa chặt, căng cứng
trong một rừng dao. Cái cười của bầu Trung bây giờ mới thật tươi tắn và tràn đầy hy vọng.
Sáng ấy, trên khoảng đất nhỏ của khu chợ quê sát mé sông, lần đầu
tiên, cái không khí kinh hoàng đến nghẹt thở tràn ngập đến mức những người đàn
bà phải lấy tay che mắt rú lên, những người đàn ông hoảng hốt cứng đờ cả lưỡi
còn lũ trẻ con thì nhảy cẫng lên hệt như chính chúng mới là người lập nên kỳ
tích đó. Lần đầu tiên, những đồng xu, đồng hào tuôn vào túi bầu Trung như mưa
rào. Lần đầu tiên cả đám người trong gánh đuơc kiêu hãnh cúi chào trong tiếng
vỗ tay ầm ào, được nhậu một bữa nghiêng ngả và cảm giác chuếnh choáng của người
chiến thắng còn lây lan mãi mỗi sáng sớm ra chợ là mỗi lần nghe người ta xì xào
về “Gánh bầu Trung”. Tiếng tăm của nó nổi dậy như con nước lớn vùng sông Hậu,
có thể tràn đến những hang hốc kín đáo nhất, những vùng quê êm ả nhất,…
Người ta kể rằng mặc dù được bầu Trung yêu chiều, hắn vẫn là một con
người kỳ lạ, ít nói, lầm lì và cô độc. Bao giờ hắn cũng giành một chỗ ở cách
biệt với mọi người, một góc tối tăm, tĩnh mịch. Ở đó, khi không đến tiết mục
biểu diễn của mình, hắn thường ngồi với chai rượu hết vơi lại đầy. Rượu là
nguồn sống, là cơm ăn, nước uống của hắn nhưng chưa bao giờ người ta thấy hắn
say. Ai cũng mong hắn say để thấy hắn khóc, cười, giận dữ, đau khổ hay kể lể,
tâm tình như bao nhiêu người khác khi say. Hắn có bao giờ say đâu mặc dù cứ
uống tràn. Ngày ngày chỉ có cô gái câm đảm nhiệm việc mang cơm, mang rượu đến
cho hắn. Bây giờ, cô bỗng có vị trí quan trọng trong gánh bởi vì cô là cầu nối
độc nhất giữa hắn với mọi người, bởi vì cô bị câm, một người câm thật là phù
hợp với một người ít nói như hắn. Tuy vậy, cô gái biết đọc, biết viết. Vốn học
bập bõm chỉ cho phép cô đánh vần thật lâu mới xong tấm biển quảng cáo “Gánh
xiếc bầu Trung” và cũng phải nắn nót thật lâu mới xong bằng cây viết chì cụt
lủn để hắn hiểu được rằng cô muốn nói: “Sao anh không ăn cơm?”, “Anh đừng uống
rượu nữa!”. Mỗi lần như vậy, hắn nhìn cô, cái nhìn của một con thú hoang trước
kẻ định thuần phục nó. Nhưng cô không sợ. Cái nguy hiểm nghẹt thở của trò phóng
dao đã buộc chặt đời cô vào hắn nhanh đến mức ngay từ lần đầu tiên, cô đã đinh
ninh rằng mình thuộc về hắn. Cô yêu hắn, một tình yêu cuồng nhiệt mà âm thầm vô
vọng, tỉnh táo đấy nhưng cũng hết sức rồ dại, bất chấp hắn là người như thế nào
và hắn có yêu cô hay không?
Chừng như con người ấy không biết tình yêu là cái gì. Hắn tỉnh khô
trước ánh mắt nồng nàn, trước sự chăm sóc ân cần của cô gái. Hắn rít lên rất
khẽ nhưng thật dữ tợn khi cô bạo gan giằng lấy chai rượu trong tay hắn. Một lần
nào đó, hệt như thằng điên, hắn quẳng ly rượu vào mặt cô. “Đi đi! – Hắn hét lên
và mỗi lần hét là một cái gì đó vỡ tan, gãy đổ. Nhưng cô không đi. Cô ngồi
xuống, con mắt thẳm sâu, đau đáu một nỗi buồn. Và cô khóc, tiếng khóc lặng lẽ
như dội lại từ lồng ngực. Tiếng khóc bất giác làm hắn nao lòng. Nó gợi nhớ một
điều gì đó, trong tận cùng tiềm thức xa xưa, vào cái ngày mẹ hắn tình cờ nhìn
thấy hắn tập cầm lưỡi dao găm phóng vào những hình nhân bằng rơm. Hắn không
chịu được tiếng khóc, đúng hơn là hắn sợ nó. Hắn đi như chạy ra ngoài bờ sông.
Dòng sông lạnh ngắt trong buổi chiều tím tái. Ở xa lắm có một chiếc xuồng nhỏ
chông chênh giữa cái mênh mông tiếp liền trời và nước. Nó cũng lạc lõng, cô độc
như chính cuộc đời hắn, cuộc đời một tên cướp bị truy nã, đang phải ẩn mình
trong gánh xiếc tầm tầm dọc miền sông nước này. Một cuộc sống hoàn lương êm ả,
mốc cời lên trong vô vị, tẻ nhạt, ở đó, cái tài phóng dao nổi tiếng uy dũng và
tàn độc trong giới giang hồ lại biến thành một thứ trò chơi. Vậy mà đã một
thời, không biết bao nhiêu người đã đổ gục xuống, đã rúm người lại trước cái
chết đến từ lưỡi dao hung thần. Không ai thấy được đường đi của con dao ngoài
hắn. Bao giờ nó cũng cắm đúng vào chỗ trái tim, lệch về phía trái một chút như
dấu ấn của một phong cách. Và máu, máu phun ra theo hình cầu vồng, máu loang
rộng trên những thân người giần giật, rúm ró. Bây giờ, mỗi lần biểu diễn là một
lần hắn phải chống chọi quyết liệt với bàn tay nhà nghề lúc nào cũng nhắm trúng
vào chỗ trái tim người. Phải vất vả lắm hắn mới nhích được mũi dao lệch về bên
phải một chút sao cho nó cắm đúng vào khoảng ván nhỏ nhoi giữa phần ngực trái
và cánh tay cô gái. Mỉa mai thay, đó là phần ấn tượng nhất của buổi diễn, là sự
bùng vỡ cuối cùng của miệng núi lửa để dòng nham thạch sửng sốt kinh hoàng phún
trào thành những tiếng vỗ tay, tiếng hò hét vang động cả một vùng sông nước.
Với hắn, đó không phải là một vinh dự mà là sự xúc phạm khi tên hung thần bỗng
chốc biến thành thằng hề.
Cả cô gái câm nữa! Cô cho rằng hắn là ai? Một gã thất tình dại dột
chăng? Một con người mà cô tự thấy có trách nhiệm phải an ủi, phải ngồi cạnh
hắn mỗi chiều khi hắn ngồi đơn độc nhìn dòng sông chăng? Không, hắn là một tên
cướp. Khi hắn muốn người đàn bà nào, dù là mệnh phụ thương lưu hay con điếm thì
lập tức, người đàn bà ấy phải thuộc về hắn. Và cô cũng không phải là một ngoại
lệ! Trong cơn vật vã điên khùng của mặc cảm bị biến thành một thứ trò chơi,
trong lúc con thú bị trói chặt bởi xích sắt nghe tiếng gọi bầy da diết từ thế
giới quỷ ám đã sinh ra nó, trong cái buổi chiều vắng lặng hệt như nhiều buổi
chiều khác bên dòng sông đục ngầu bờ bãi, hắn chợt nổi cơn thèm khát đàn bà,
chợt đè phắt cô gái câm xuống lùm cỏ ngập đầu để sống lại trong cái cảm giác
thống trị của kẻ mạnh, của con đực đầu đàn. Hắn không nhớ mình đã phải vất vả
như thế nào mới chiếm đoạt được cô gái, chỉ lờ mờ nghe thấy tiếng khóc nấc
nghẹn, âm âm như vọng về từ lòng đất, nơi chôn vùi thân xác của mẹ hắn, chỉ mơ
hồ thấy cỏ của cả khu vực bờ sông nát nhừ như qua một trận bão và bộ đồ trắng
muôn thủa của cô gái chợt lâm nhâm những giọt máu đỏ thắm cứ bốc cháy như lửa
trong mắt hắn. Rồi cô gái bỏ chạy. Hắn ngồi lại một mình suốt đêm trên chính
cái vũng cỏ nhầu nát ấy mà ngơ ngẩn buồn. Hắn ân hận, hắn như một kẻ mộng du chợt
tình giấc, đang cố nhớ xem mình đã làm những gì…Kể từ lúc đó, hắn không còn yên
ổn nữa. Hắn luôn bị tiếng khóc âm u quấy nhiễu cả đêm lẫn ngày. Có khi, đó là
tiếng khóc của mẹ hắn, có khi là tiếng khóc của những oan hồn, tay nắm chặt con
dao mà lưỡi cắm ngập vào trái tim, có khi là tiếng khóc ú ớ não lòng của cô gái
câm tội nghiệp. Lòng hắn xáo động nên không đêm nào hắn ngủ được. Hắn mơ thấy
máu, thấy những xác người rúm ró, thấy cô gái phóng những lưỡi dao của chính
hắn vào trái tim hắn. Những đêm như vậy, hắn hay đi ra ngoài gian chính điện
của ngôi đình Thành Hoàng. Ở đó, không hiểu vì sao lại đặt một pho tượng Quan
Âm Bồ Tát. Người ta nói, khi xưa, có một lần cả miền này chìm trong biển nước
và Phật đã hiện ra mang theo chiếc thuyền chứa được vạn người. Hắn hay ngồi
dưới tượng Phật uống rượu, bởi ở đó, hắn thấy tĩnh tâm hơn, nhẹ nhàng hơn như
trong phút chốc rũ bỏ được gánh nặng của những cơn ác mộng. Vừa uống rượu, hắn
vừa nhìn lên đôi mắt thẳm sâu khôn cùng của Phật, tự hỏi: Chuyện vạn người chết
lụt có ăn nhập gì đến con người trên cao xanh kia đến nỗi bà
phải cực khổ xuống trần gian hèn hạ này mà dang tay cứu giúp? Rồi hắn nghĩ, hắn
không xứng đáng để cầu xin một sự cứu rỗi. Đối với hắn, chỉ có lưỡi dao hành
hình mà thôi! Kiếp này hắn đã lỡ là một con quỷ dữ.
Phải, hắn sẽ trở về với quỷ, bất chấp luật pháp, bất chấp viễn cảnh
núi đao sông kiếm sẽ banh xác hắn dưới mười tầng địa ngục. Hắn chán lắm cái
cảnh đời mốc thếch lên vì tĩnh lặng, lúc nào cũng vật vã hỗn độn giữa quá khứ
và hiện tại, giữa thánh thiện và tội ác, giữa khát vọng hoàn lương và nỗi ám
ảnh khôn cùng của con thú hoang dã trót quen máu người. Hắn thích vùng vẫy,
hiểm nguy, thử thách, chinh phục. Đúng rồi, hắn sẽ đi, phải đi. Hắn sợ những
ngày tháng vật vã thoát xác trở lại làm người.
Người ta kể nhiều lắm nhưng không ai biết rằng trong đêm trước ngày
xảy ra vụ án mạng, cô gái câm đã đến tìm hắn. Cô đứng rất lâu ở cửa nhìn hắn
vội vã thu xếp những món cần thiết cho một cuộc đi xa. Không ai biết rằng cô
gái câm đã quỳ dưới chân hắn, đôi mắt ngấn nước, bàn tay cuống quýt chìa cho
hắn xem tờ báo. Vẻ nhẫn nhục mà quyết liệt của cô gái làm hắn xiêu lòng, liếc
nhìn dòng chữ nguệch ngoạc: “Người ta đang lùng bắt anh. Đừng đi!” Quả tình, ở
góc phải dưới cùng của tờ báo cũ, tấm ảnh của hắn được in bên cạnh dòng chữ
“Lệnh truy nã” và một số tiền thưởng cho ai bắt được hắn. Hắn lặng người đi khi
nhìn thật sâu vào đôi mắt khẩn khoản của cô gái nhưng, chỉ thoáng chốc thôi, có
cái gì đó ngăn hắn lại, giục hắn phải chạy trốn khỏi những giây phút yếu lòng.
“Không, tôi sẽ đi! Sau buổi diễn sáng mai, tôi sẽ đi!”- Hắn nói trong khi bước
ra cửa, đi như chạy. Suốt đêm, hắn đi lang thang ngoài bãi. Hắn đi mãi, đi mãi,
không dám dừng lại, ngồi xuống, bởi mỗi lần như vậy, hắn lại mơ hồ nghe thấy
tiếng ai đó đang gọi hắn thảng thốt đến nao lòng.
Sáng ấy, mãi đến khi có tiếng trống thúc giục, hắn mới chợt xuất
hiện giữa vòng tròn người, lặng lẽ gượng nở một nụ cười vô hồn lúc cúi đầu chào
bốn phía. Con mắt hắn cứ lành lạnh, chẳng nhìn ai cả, chỉ nhìn xoáy vào lưỡi
dao găm lấp lánh ánh thép trong bàn tay giơ cao; con mắt như đang mê ngủ, đang
chìm đắm trong một trạng thái thôi miên kỳ lạ bất chấp tiếng hò hét, thúc giục
của mọi người. Qủa thật, lúc ấy, hắn đang nhìn những con dao mà tự hỏi đâu là
biên giới giữa trò chơi và tội ác khi những con người kia quẳng tiền ra để nhìn
những lưỡi dao tử thần nhảy múa trên thân thể của đồng loại. Họ không muốn
chết, ngàn lần sợ chết nhưng rất vui sướng được nhìn thấy một người khác chứ
không phải là mình, bị cái chết đe dọa. Họ trả tiền để được xem sự đe dọa ấy
khủng khiếp đến mức nào. Được thôi, dẫu sao, đây cũng là lần cuối cùng hắn thực
hiện một trò chơi chứ không phải một tội ác. Mười mấy lưỡi dao được phóng đi
bằng tốc độ kinh người lần lượt đến đúng đường biên nghiệt ngã giữa cái sống và
cái chết. Hắn nghe thấy tiếng vỗ tay, tiếng hò hét vang động. Nỗi phấn khích
của đám người đã lên đến mức không ai thấy hắn mỉm cười khi nhìn lưỡi dao cuối
cùng trong tay, lưỡi dao vĩnh biệt đời sống hoàn lương và đánh dấu sự trở về
với thế giới bóng đêm của quỷ. Hắn phóng nó đi, nhẹ tênh trong cảm giác vừa bứt
tung những sợi dây trói của loài người.
Trong tích tắc thời gian của lưỡi dao đang vượt qua khoảng cách mười
bước chân ngắn ngủi, đột nhiên, hắn nghĩ đến cô gái, đến tình yêu rồ dại mà cô
dành cho hắn dù biết rằng hắn là một tên cướp. Hắn muốn nhìn cô lần cuối để cô
hiểu rằng, một lúc nào đó, hắn đã từng yêu cô, từng vật vã cố lột đi cái xác
quỷ để sống với cô. Chính lúc ấy, hắn bỗng nhận ra một đôi mắt mênh mang không
cùng hệt như ánh mắt của pho tượng Phật đêm đêm đối diện với hắn. Đôi mắt đang
khóc, đang xót xa bất lực, khẩn khoản, da diết như tiếng gọi yếu ớt từ thẳm sâu
tiềm thức hướng thiện; ánh mắt như báo trước một điều gì đó, rất khủng khiếp!
Muộn rồi! Hắn biết là không kịp thay đổi đường đi của con dao nữa rồi khi thấy
cô gái nhích nhẹ thân người qua bên phải để đón cho thật trúng mũi dao ngay vào
chỗ trái tim mình. Máu đã chảy, loang dài trên tấm áo trắng tinh trong khi đôi
mắt ấy, như có thể chiến thắng cả cơn đau khủng khiếp ập đến lẫn nỗi sợ hãi
khôn cùng, vẫn cứ đau đáu nhìn hắn như muốn nói một điều gì đó. Hắn chết lặng
đi trong lúc cả rừng người bùng dậy những tiếng kêu thảm khốc khi họ vừa kịp
nhận ra trò chơi đã biến thành tội ác….
Người ta kể rằng, sau vụ án mạng, gã diễn viên phóng dao đã lợi dụng
lúc hỗn độn trốn mất tăm. Xác cô gái được người làng chôn cất tử tế bên bờ sông
còn gánh bầu Trung thì rã đám. Một đoạn kết buồn nên người ta cố tình quên nó
đi, để nó lẫn lộn trong muôn ngàn sự kiện miệt mài chồng chất. Chỉ có nhiều năm
sau này, khi tàu Mỹ từ vàm sông Hậu pháo kích tả tơi vào làng, người ta chợt
rùng rùng chạy về ngôi đình Thành Hoàng với hy vọng cái nơi kiên cố nhờ gạch đá
và lòng tin thần thánh sẽ giúp họ vượt qua cơn binh lửa. Trong lúc đạn cối rít
trên đầu, rơi vãi trên đất, nổ tung, cày xới lở loét những vạt đất phù sa và
khói bom mù mịt, những người bạo gan nhìn ra ngoài kể rằng có một bóng người
rất to lớn, mặc tuyền đồ trắng đứng chắn ở cửa chính và hứng trọn những quả đạn
pháo nào rơi trúng vào khu vực ngôi đình. Có người còn quả quyết đó chính là cô
gái câm trong đoàn xiếc ngày nọ. Chẳng biết có thật không nhưng quả tình qua
biết bao cơn binh lửa, ngôi đình hầu như không bị suy suyển gì mấy. Nó vẫn là
chỗ tránh bom đạn tốt nhất của dân làng.
Mãi sau này, để nhớ ơn cô gái, người làng lập cái miếu nhỏ trên bến
sông. Cái miếu, nghe đâu, thiêng lắm, cầu được ước thấy, miễn là lòng
thành.
Người kể cho tôi nghe câu chuyện này là một nhà sư. Suốt đêm, chúng
tôi ngồi uống trà dưới chân pho tượng Phật Quan Âm và xung quanh là những bông
hoa sứ trắng rơi vãi trên mặt đất cứ tỏa mùi hương ngào ngạt. Chuyện đã hết mà
lòng vẫn còn áy náy, tôi hỏi nhà sư: “Vậy còn tên cướp, hắn còn sống hay đã
chết?”. Ông mỉm cười nhìn lên đôi mắt thẳm sâu không cùng của Phật rồi chẳng
biết nói với tôi hay nói với chính mình: “Hắn chết rồi, ngay ở chỗ này”.
Đầu xuân 1997
Giải thưởng truyện ngắn hay tháng 3- 1998- Tuần
báo Văn nghệ- Hội nhà văn Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét