Bài đăng nổi bật

DẤU ẤN CỦA TINH THẦN MỸ HỌC SINH THÁI TRONG TRIẾT THUYẾT LÃO TRANG

1. Khi bàn về “ Sinh thái học trong những nền văn minh cổ ”, Johnson Donald Hughes đã trình bày ý tưởng về một sự lựa chọn định mệnh ở thờ...

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Biểu tượng thiên đường xanh trong văn học Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại


1. Vườn treo Balylon, một biểu tượng thiên đường trong tôn giáo của người Sumer; khu vườn địa đàng trong Kinh Cựu Ước; Arcadia, vùng đất thiêng thơ mộng trong thần thoại Hy Lạp; Otherworld, vùng đất không có chiến tranh, dịch bệnh, tuổi già trong truyền thuyết của người Celtic… đó chỉ là vài cái tên tiêu biểu gợi nhớ sự tồn tại của một vùng đất được ghi nhận trong huyền tích của nhiều tộc người cổ xưa trên thế giới. Tên gọi khác nhau nhưng, những gì mà con người ở các quốc gia có khi cách nhau nửa vòng trái đất hình dung và miêu tả về vùng đất đó lại có nhiều điểm giống nhau lạ lùng. Sự tương đồng này cho thấy rõ là có một đoạn thông tin ghi nhận ký ức về một thế giới thuở hồng hoang với bầu không quyển xanh tươi, thuần khiết, nơi con người từng chung sống hồn nhiên, bình đẳng cùng muôn loài, đã được lưu giữ và mã hóa trong huyền thoại. Thời của huyền thoại đã đi qua nhưng suốt tiến trình phát triển của lịch sử nghệ thuật, đôi khi, chúng ta vẫn tìm thấy dấu vết của đoạn mã vô thức ấy trong những tác phẩm mô tả cuộc hành trình ngược chiều với nền văn minh nhân tạo của những con người cô đơn, khát khao quay về nguồn cội, khắc khoải kiếm tìm một thiên đường xanh đã mất. Trong văn chương Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại, miền đất đó được gọi là tiên cảnh, Đào Nguyên, Thiên Thai. Sự tồn tại phổ biến của nó trong bộ phận tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Lão- Trang, một triết thuyết chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú của trí tuệ sinh thái phương Đông cổ đại, hứa hẹn sẽ cung cấp những gợi ý thú vị cho người nghiên cứu khi khai thác các giá trị của văn học trung đại từ góc nhìn phê bình sinh thái.
2. Nếu tiên cảnh là nơi ở của các vị thần tiên thì Đào Nguyên lại là một vùng đất tách biệt khỏi những nền văn minh, nơi con người có thể sống hài hòa với môi trường tự nhiên và hầu như không phải chịu một tác động nào từ những biến thiên chính trị, thời cuộc bên ngoài. Trường hợp Thiên Thai phức tạp hơn, có khi nó là nơi tiên ở, có khi lại là một vùng đất tương tự cảnh Đào Nguyên. Tên gọi, cách định vị không- thời gian, cách định dạng các dấu hiệu nhận biết và phương thức nối kết với thế giới thế tục có thể khác biệt nhưng về bản chất, cõi tiên, Thiên Thai hay Đào Nguyên đều là một miền đất hứa nằm ngoài sự chi phối của các thiết chế tôn giáo, đạo đức, chính trị..; nó từ chối nền văn minh nhân tạo, kiên trì bảo lưu những dấu tích còn lại của một vùng sinh thái cổ xưa, một khu vườn địa đàng thơ mộng và lãng mạn trong tâm thức nguyên thủy.
Cõi tiên không hoàn toàn thuộc về một vùng nào trong mô hình tam giới. Con người thời cổ xây dựng mô hình này theo cấu trúc trục dọc trên cơ sở ý niệm đồng nhất định hướng lên trên và xuống dưới với những cặp phạm trù đối cực thiện- ác, cao quý- thấp hèn, tưởng thưởng- trừng phạt…. Lấy trần thế làm điểm mốc, phần không gian hướng lên trên là thiên đình, nơi người thiện được hưởng cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng còn phần không gian hướng xuống dưới là âm phủ, nơi kẻ ác bị xét xử nghiêm minh và nhận chịu những hình phạt tương ứng với tội lỗi đã gây ra trên trần gian. Cõi tiên dù là vùng không gian phù hợp với ý niệm định hướng lên trên nhưng lại không nằm trong phạm vi thượng giới, thiên đình mà vẫn ở một nơi nào đó thuộc địa phận hạ giới. Cấu tạo của chữ “tiên” (仙)trong Hán tự là sự kết hợp giữa người (nhân) và núi (sơn) để phản ánh ý niệm càng lên cao thì càng gần với không gian thần thánh nhưng núi vẫn thuộc địa phận trần gian. Kho tàng tiên thoại cùng các sách sơn xuyên địa vực phong phú của người Trung Hoa cổ xưa thường ghi nhận nơi thần tiên ở là những hòn đảo xa xôi giữa biển cả mênh mông, hay những ngọn núi cao nghìn trượng. Đặc điểm định vị này được thể hiện rõ qua những ghi chép trong Sơn hải kinh[i], những câu chuyện trong Sưu thần ký của Can Bảo (chuyện đôi hạc trắng trong núi tiên Lan Nhược), Liệt tiên truyện của Lưu Hướng (chuyện Hàn tử vào núi gặp tiên), Tình sử của Phùng Mộng Long (chuyện Trương Anh gặp tiên nữ trong núi Thái Nghi, chuyện chàng trai họ Chu được dẫn vào núi tiên gọi là cung nga Bồng Lai, truyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc vào cõi thiên thai), Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (chuyện Vương Miễn được đạo sĩ dẫn đến đảo thần tiên), Tử bất ngữ của Viên Mai (chuyện tiên cô kỹ nữ trên ngọn Vân Ải, Tô Châu),…  hoặc qua những tác phẩm văn chương Việt Nam thời trung đại như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Từ Thức gặp tiên trên một hòn đảo ngoài cửa bể Thần Phù), Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (Tú Uyên gặp tiên nữ Giáng Kiều), Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh (Nguyễn Lộc gặp tiên trên đảo, chuyện về một thế giới lạ lùng trong hang núi giữa biển), Vịnh động Từ Thức 1 và 2 của Trịnh Sâm, Đề Từ Thức sơn của Ngô Thì Sĩ…
Trong khi đó, chốn Đào Nguyên lại được hình dung là một vùng làng xóm, dân cư tồn tại ở đâu đó giữa đại ngàn sâu thẳm. Dấu vết của những ngôi làng kỳ lạ này được ghi nhận trong Đào Hoa nguyên ký của Đào Tiềm, Đào Hoa hành của Vương Duy, Tiễn đăng tân thoại của Cù Tông Cát (Truyện Thiên Thai phỏng ẩn lục),,…  hoặc được nhắc đến trong các tác phẩm văn chương trung đại Việt Nam như Mộng Thiên Thai phú  của Ngô Thì Nhậm, Tục Thiên Thai phú của Ngô Thì Chí, Hoàng Mai sơn thượng thôn hay Sơn thôn của Nguyễn Du,.. qua hình ảnh những xóm nhỏ nằm giữa muôn ngọn núi, xa cách gió bụi, nơi áo mũ các cụ già vẫn theo đời Hán còn năm tháng thì khác với đời Tần (“Trưởng giả y quan do thị Hán-  Sơn trung Giáp Tý quýnh phi Tần”- Sơn thôn).
Dù ở rừng sâu, núi cao hay biển cả mênh mông thì tiên cảnh, Đào Nguyên hay Thiên Thai đều có một đặc điểm chung, đó là các chỉ dấu cụ thể nhằm định vị nó trong tọa độ không- thời gian đều bị bao phủ bởi lớp sương mờ huyễn hoặc. Về mặt không gian, việc xác định vùng đất bị lãng quên đó có thực sự tồn tại hay không và đang ở đâu trên bản đồ gần như là bất khả. Về mặt thời gian, các đơn vị dùng để đo thời gian trần thế tuyến tính, dạng thức “thời gian trôi chảy có tính chất phù phiếm”, “thời gian của những hiện tượng chứ không phải là thời gian của những bản chất[ii] cũng khó có thể được áp dụng để đo thời gian tiên cảnh, một dạng thức của thời gian vũ trụ tuần hoàn, thời gian huyền thoại. Độ sai biệt về thời gian ở hai thế giới lớn đến mức, một năm Từ Thức ở cảnh tiên bằng tám mươi năm nơi trần thế (Từ Thức tiên hôn lục- Truyền kỳ mạn lục), còn Lưu Thần, Nguyễn Triệu chỉ sống với hai nàng tiên mười ngày trong núi vậy mà khi trở về, “làng xóm đã linh lạc qua mười đời rồi[iii] (Thiên Thai nhị nữ- Tình sử). Thời gian chốn Đào Nguyên có nét tương đồng với thời gian tiên cảnh bởi trong cách miêu tả của các nhà văn, những ngôi làng kỳ lạ đó dường như tồn tại trong một chiều không gian khác, không bị chi phối hay chịu tác động bởi những biến cố lịch sử, xã hội nên con người ở đó cũng không cần quan tâm đến các đơn vị đo thời gian thực tại. Sự lặp lại đều đặn của mùa tiết và những hoạt động sống đơn giản trên vùng đất bảo lưu được hình thái tự cấp tự túc thời nguyên thủy, không có các biến cố đánh dấu sự thay đổi khiến cho con người ở đó luôn có cảm giác thời gian ngưng đọng lại và lịch biểu đương nhiên trở thành vô nghĩa. Họ cứ “thấy hoa nở thì chắc là mùa xuân, lá rụng là mùa thu, chẳng biết ngày nay là triều đại nào, năm nào nữa”. Ông lão tiếp chuyện Từ Dật trong Thiên Thai phỏng ẩn lục (Tiễn đăng tân thoại) sinh năm 1237, thời Tống Lý Tông, khi gặp Từ Dật thì nhà Nguyên đã bị diệt, nhà Minh đã lên thay đến năm Hồng Vũ thứ bảy (1375) nhưng ông “chỉ biết có nhà Tống, chẳng biết đến nhà Nguyên, sao biết được ngày nay đã là triều Đại Minh[iv]. Độ mờ nhòe và sai biệt của các chi tiết định vị không- thời gian nơi cõi tiên, Đào Nguyên gợi nhớ một vùng đất được Trang Tử nhắc tới trong Nam Hoa kinh: làng Vô Hà Hữu[v]. Ngay cái tên đã chứa đựng hàm ý rằng đó là một nơi chẳng ai biết ở đâu và đến đó bằng cách nào.
Những vùng đất “không biết ở đâu” trong văn chương Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại đều có vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, với “những quả núi nguy nga, ngọn cao vút, đường đi hiểm trở[vi], động tiên thì “bồng bềnh ngoài bể cả, dưới không có chỗ bám bíu như hai núi La Phù tan hợp theo sóng rợn”, “vách đá cao vút nghìn  trượng, sừng sững đứng thẳng[vii] ; đường vào hiểm trở, quanh co nhưng khi tới nơi thì cảnh bình nguyên hiện ra, “cỏ non xanh rờn như trải thảm[viii], khắp nơi tràn ngập hương thơm, ánh sáng, kỳ hoa, dị thảo. Cư dân nơi đó đều có tâm hồn trong trẻo như pha lê, sống hồn nhiên, thuần phác. Ở tiên cảnh, các vị thần tiên có “da thịt như băng tuyết, dáng điệu mềm yếu như người con gái chưa chồng, không ăn ngũ cốc, chỉ hớp gió, uống sương, nương theo hơi mây, cỡi rồng mà bay ngao du ngoài bốn biển[ix]. Trong những ngôi làng biệt lập, người thường có thể sống đến 140 tuổi mà diện mạo chỉ như người năm sáu chục tuổi, tính tình đôn hậu (Thiên Thai phỏng ẩn lục- Tiễn đăng tân thoại), không quan tâm đến chuyện hưng phế bên ngoài (“Sơn ngoại hưng dữ phế- Sơn trung giai bất tri”- Hoàng Mai sơn thượng thôn), sống đơn giản với nhu cầu tối thiểu, “Mặc áo lá sen mà không cóng lạnh- Ăn cơm hạt thông mà chẳng đói lòng” (Mộng Thiên Thai phú) ,.. Dù tục hay tiên thì tính tình của họ cũng đều hết sức phóng khoáng, chẳng hề bị ràng buộc bởi địa vị xã hội hay các quan niệm hôn nhân, đạo đức phức tạp, cứng nhắc. Giống như những cư dân trong một quốc gia nhỏ bé mà Lão Tử từng nhắc đến trong thiên 80 của Đạo Đức kinh, họ không ham sử dụng những khí cụ nhân tạo, không có nhu cầu tích lũy như con người bị đời sống văn minh tha hóa nên không bao giờ nghĩ đến việc tàn sát, giành giật, xâm chiếm, hãm hại lẫn nhau.
Tiên cảnh, Thiên Thai hay Đào Nguyên đều có cơ chế đề kháng, tự bảo vệ bầu không quyển trong lành của nó, chống lại nguy cơ bị xâm thực, tiêm nhiễm bởi những nền văn minh nhân tạo. Nó tồn tại biệt lập giữa biển khơi, trên núi cao hay trong đại ngàn sâu thẳm, những vùng không gian mà xa xưa, sự hạn chế về tầm nhìn và phương tiện đã khiến cho con người khó lòng khám phá, chinh phục. Không chỉ vậy, nó tự phong tỏa bằng tầng tầng lớp lớp những hang động, cây cối rậm rạp, sương mù che lấp để không ai có thể tìm thấy nếu không nhờ chính cư dân của nó dẫn dắt hay dùng phép thuật mở lối. Nó tạo lập một môi trường khép kín bằng cuộc sống tự cấp tự túc, nương tựa hầu như hoàn toàn vào sự nuôi dưỡng và bảo vệ của mẹ thiên nhiên. Nó sử dụng cơ chế chọn lọc những cá thể phù hợp, chỉ cho phép vài người hiếm hoi được quyền thâm nhập nhưng điều khoản ràng buộc lại hết sức ngặt nghèo, theo đó, một lần đã quyết định rời đi, động tiên đã khép là dứt khoát không bao giờ trở lại được nữa. Cơ chế biệt lập, phong tỏa và chọn lọc giúp cho cõi tiên, Thiên Thai hay Đào Nguyên mãi bảo tồn được vẻ đẹp nguyên sơ của thế giới tự nhiên vào lúc con người chưa khai thác, hủy hoại nó để phục vụ cho nhu cầu tiến bộ, văn minh.  
3. Những vùng đất thần tiên, những cộng đồng dân cư còn bảo lưu dấu ấn tổ chức của thời công xã tự trị nằm ẩn khuất đâu đó giữa miền thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ là kết tinh của trí tưởng tượng phong phú và nhân sinh quan yếm thế của lớp ẩn sĩ Đạo gia muốn thực hiện sự đoạn tuyệt cực đoan với thế giới thế tục. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận hệ tư tưởng Lão Trang với tư cách là một triết thuyết in đậm dấu ấn tâm hồn và trí tuệ sinh thái phương Đông cổ đại, thì ngoài lớp ý nghĩa nêu trên, biểu tượng thiên đường xanh trong các tác phẩm chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng này còn chuyển tải những thông điệp sâu sắc về mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên và con người.
Cõi tiên, Thiên Thai hay Đào Nguyên chỉ là những biến thể với tên gọi khác nhau của một biểu tượng thể hiện tinh thần đề cao vẻ đẹp và vai trò quyết định của tự nhiên đối với sự tồn tại của con người vốn là phần căn cốt của tư tưởng Lão- Trang. Trong khi Nho giáo quan tâm đến vai trò của con người đối với việc cải tạo thế giới, xây dựng xã hội thì bản thể luận của triết thuyết Lão Trang lại cố gắng kéo con người trở về với cội nguồn tự nhiên, tìm lại bản tính tự nhiên của mình bằng lẽ sống hài hòa với thiên nhiên. Con người, như Lão Tử hình dung, chỉ đóng vai trò là một phần tử trong tập hợp, một bộ phận trong chuỗi liên kết, tương tác với các bộ phận khác của một hệ thống hoàn hảo, bền vững được vận hành bởi một cơ chế mặc định, một kiểu chương trình đã cài đặt sẵn. Cho nên, muốn tồn tại, con người phải biết thuận theo lẽ tự nhiên, “người phải theo Đất; Đất theo Trời; Trời theo Đạo; Đạo theo Tự nhiên [x]. Trang Tử, người học trò xuất sắc của Lão Tử, cũng tha thiết kêu gọi con người hãy phá bỏ mọi trang sức giả tạo để trở về với sự thuần phác, tự nhiên (Điêu trác phúc phác[xi]). Dùng khái niệm tự nhiên để chỉ bản tính vốn có của vạn vật, đối lập với những thứ giả dối, nhân tạo, triết thuyết Lão- Trang đương nhiên phải đề cao vai trò của thế giới tự nhiên và những vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, bởi lẽ, đó chính là minh chứng sinh động nhất cho sự tồn tại và phát triển của vạn vật theo căn tính tự nhiên. Như vậy, nếu xét mối quan hệ trung tâm- ngoại biên giữa thế giới tự nhiên và con người thì hệ tư tưởng Lão Trang là triết thuyết hướng về phía tự nhiên, lấy thế giới tự nhiên làm trung tâm chứ không phải lấy con người làm trung tâm. Cho nên, những gì mà các nhà văn chịu ảnh hưởng bởi triết thuyết này hình dung và miêu tả về cõi tiên, Thiên Thai hay Đào Nguyên đều nằm trong định hướng đề cao, ngợi ca một hình mẫu lý tưởng, một vẻ đẹp chỉ còn được nhìn thấy trong những ánh hồi quang hiếm hoi của thời kỳ cổ xưa khi nhân loại còn sống hài hòa, bình đẳng với muôn loài trong sự che chở, nuôi dưỡng của mẹ thiên nhiên.
 Cõi tiên, Thiên Thai, Đào Nguyên cũng chính là hình ảnh thiên đường đã mất trong hành trình văn minh hóa của nhân loại. Với trí tuệ siêu việt, con người luôn muốn tách rời khỏi cội nguồn tự nhiên, nhìn ngắm, quan sát, tìm hiểu nó như một khách thể, đúc kết những quy luật của nó, nỗ lực cải tạo nó để phục vụ cho nhu cầu xây dựng những nền văn minh. Tuy nhiên, cũng chính trên hành trình xa rời, chối bỏ, thậm chí tàn phá, hủy hoại thế giới tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu văn minh hóa, ở bất kỳ thời kỳ nào cũng có những cá thể bị ám ảnh khắc khoải bởi niềm nuối tiếc những vẻ đẹp đã mất, khao khát quay trở lại cội nguồn mà mình đã rời xa, nhất là khi con người dần ý thức được hệ lụy khủng khiếp từ sự tàn phá môi trường, từ việc xây dựng các thiết chế chính trị, đạo đức, tôn giáo,.. và phát kiến khoa học. Sự xuất hiện của cõi tiên, Đào Nguyên, Thiên Thai hay “các hình mẫu như Eden, Arcadia, vùng đất trinh nguyên, đầm lầy ám khí, không gian hoang dã, man dại[xii] trong lịch sử nghệ thuật nhân loại không chỉ cho thấy những nỗ lực nâng cao nhận thức về vai trò của thế giới tự nhiên ở giai đoạn phát triển đầu tiên của phê bình sinh thái như Cheryll Glotfelty đã đúc kết mà còn chứng minh cho sự chi phối của niềm hoài vọng khôn nguôi về một vùng đất còn bảo lưu được vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết vĩnh hằng. Đó là nơi mà con người luôn khao khát tìm về khi cảm thấy chán ngán, ngột ngạt bởi đời sống văn minh nhân tạo, khi cần kiếm tìm một giải pháp cân bằng thế giới hay bù đắp sự trống trải, hụt hẫng của tâm hồn.
4. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, James Lovelock, người được xem là nhà khoa học đóng vai trò chủ xướng cho giả thuyết Gaia, đã đưa ra ý tưởng cho rằng trái đất là một “thực thể sống có ý thức”, có quá trình trao đổi chất, có cơ chế tự điều tiết và cân bằng sinh học để hàng trăm triệu năm qua, nó vẫn duy trì lượng oxy trong khí quyển, nhiệt độ bề mặt và hàm lượng muối trong nước biển ở một mức độ tương đối ổn định. Vì là một thực thể sống có ý thức nên nhiều khả năng trái đất cũng sẽ có cơ chế tự phản vệ khi nó bị con người lạm dụng các nguồn tài nguyên, tàn phá môi trường đến mức cơ thể của nó bị hủy hoại trầm trọng, cứ như “nhân loại là một căn bệnh ung thư” lây nhiễm, di căn vào mọi bộ phận hay giống như một loại virus thâm nhập, tấn công và phá hủy toàn bộ chương trình vận hành của hệ sinh thái đến mức không thể khắc phục được nữa. Một trong những giải pháp mà trái đất có thể chọn lựa là tự “gỡ bỏ bệnh ung thư ra khỏi chính mình và nhân loại sẽ tuyệt chủng[xiii]  hay nói cách khác là phải xóa tất cả, cài đặt lại toàn bộ chương trình để sự cân bằng của tự nhiên được lập lại và thế giới được tái sinh.  
Giả thuyết Gaia chưa được thế giới khoa học tán đồng vì nhiều lý do nhưng ít nhất, từ góc nhìn phê bình sinh thái, nó mang lại một gợi ý thú vị nhằm giúp chúng ta phần nào lý giải được câu hỏi vì sao hình tượng những vùng đất thần tiên bí ẩn cứ trở đi trở lại trong tư duy nghệ thuật của nhân loại như một ám ảnh day dứt. Rõ ràng, muốn tái lập trình, tái cấu trúc hệ thống sau khi “gỡ bỏ căn bệnh ung thư” do con người gây ra, trái đất cần một gói dữ liệu gốc, một mẫu chuẩn còn lưu giữ ký ức và nguồn gien thuần chất của hệ sinh thái nguyên thủy. Mẫu chuẩn đó phải chăng chỉ có thể được bảo lưu nơi vùng đất bí ẩn được thực thể sống trái đất bảo tồn trong phần sâu thẳm nhất của mình? Nếu thực sự là vậy thì những thiên đường bí ẩn trong lịch sử nghệ thuật nhân loại cũng có thể là cái bóng phản chiếu của một niềm tin mơ hồ và lãng mạn tồn tại trong tâm thức của những con người thiết tha yêu cuộc sống tự nhiên trên hành tinh xanh này qua mọi thời đại, rằng trái đất luôn biết tự bảo vệ một vùng đất nguyên sơ như bảo vệ một mẫu gốc, phần linh hồn trong sáng và thuần khiết nhất của nó. Chỉ bằng cách đó, trái đất mới có thể tự chữa lành những vết thương do con người gây ra và để con người dù tham vọng đến mấy cũng không bao giờ tận diệt được thế giới tự nhiên. Tiên cảnh, Thiên Thai hay Đào Nguyên trong văn chương Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại phải chăng cũng chính là sự thể nghiệm sinh động cho khả năng tự bảo tồn mẫu gốc, tự tái cấu trúc kỳ diệu của trái đất vốn đã được dự báo bởi một tư tưởng sinh thái phương Đông cổ xưa mà không lỗi thời?

NGUYỄN KIM CHÂU
Đã đăng Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2- 2017




[i]  Phần Nam sơn kinh (Sơn hải kinh) có ghi nhận các chi tiết liên quan đến một vùng địa lý gồm 14 hòn núi từ núi Thiên Ngu đến núi Nam Ngu, tổng cộng 6530 dặm, đó là nơi ở của những vị thần có thân rồng, mặt người, khi tế thần phải dùng lúa nếp và chó trắng- Xin xem Sơn hải kinh, Thế thuyết tân ngữ, Sưu thần ký- Trương Kiến Mai biên soạn, Duyên Biên nhân dân xuất bản xã, Cát Lâm, Trung Quốc, 2006, trang 9.
[ii] A.JA.Gurêvich, Các phạm trù văn hóa trung cổ, Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996, trang 126
[iii] Phùng Mộng Long, Tình sử, Nguyễn Thụy Ứng (dịch), NXB Văn hóa Sài Gòn, 2007, Trang 184. 
[iv] Cù Hựu và Nguyễn Dữ, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, trang 73.
[v] Trang tử,  Nam Hoa kinh (Thiên Ứng đế vương), Nguyễn Duy Cần dịch, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1973,  trang 416
[vi] Phùng Mộng Long, Tình sử (Truyện Bồng Lai cung nga) , sách đã dẫn, Trang 171
[vii] Cù Hựu và Nguyễn Dữ, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục, sách đã dẫn, trang 307
[viii] Vũ Trinh, Lan Trì kiến văn lục (Chuyện Tiên trên đảo), Hoàng Văn Lâu dịch, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 29
[ix] Trang tử,  Nam Hoa kinh (Thiên Tiêu dao du), Nguyễn Duy Cần dịch, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1973,  trang 135.
[x] Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên- Lão Tử, Đạo đức kinh, thiên 25, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, HN 2001, trang 37. 
[xi] Ứng đế vương- Nam Hoa Kinh nội thiên. Sđd, trang 429.
[xii] Xin xem“Lời giới thiệu” trong Cheryll Glotfelty, Harold Fromm (edit), The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press, 1996, trang xxiii.
[xiii] Các trích dẫn trong đoạn trên đều lấy từ Rosemary Ellen Guiley, Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, Nguyễn Kiên Trường và nhóm cộng sự dịch thuật, NXB Tôn giáo, HN, 2005, trang 660 và 661.

Ảnh minh họa: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét