Nguyễn xuống thuyền lúc nửa đêm. Bên dòng Hương lãng đãng sương, một
tiếng gà eo óc từ đâu điểm vào trời sao
chút thê lương như cám cảnh mảnh trăng vừa khuất dưới chân trời không định. Vẫn
là con hầu gái ra đón Nguyễn nơi đầu thuyền: “Xin thứ lỗi! Chủ tôi đã mệt! Hẹn
ngài hôm khác vậy”. Nguyễn thở dài: “Ba lần rồi, chủ ngươi từ chối gặp ta! Tại
sao? Hãy nói cho ta biết chủ người cần gì để ta lo liệu cho một lần gặp gỡ”. Thể
nữ cúi đầu: “Đành vậy, xin ngài hãy báo danh tính, tôi sẽ hỏi chủ tôi thêm lần
nữa”. Nguyễn tiện tay đưa chiếc quạt đang cầm: “Hãy đưa cho chủ ngươi chiếc quạt
này!”. Thể nữ trở vào thuyền. Khoảnh khắc chờ đợi khiến Nguyễn thấy khó chịu, nặng
nề. Cửa thuyền mở và lần này không khép lại, từ đó vọng ra tiếng nói trong và nhẹ:
“Xin mời Nguyễn tiên sinh vào”.
Bên trong cánh màn vừa được vén lên, cầm nữ Giáng Hương nửa nằm, nửa
ngồi, khó nhọc làm một cử chỉ lễ phép chào khách. Ngọn bấc được khêu cao. Không
gian sáng hơn để nàng nhìn rõ người khách đã mấy lần bị từ chối mà vẫn kiên nhẫn
cầu kiến. Những kẻ hãnh tiến, phú gia phong lưu, những tay ngụy quân tử dốt nát,
mồm mép, cầm nữ đều đã biết qua, riêng người này nàng mới gặp lần đầu. Khách có
vẻ một bậc tài tình lỡ vận hay vị quan thanh chức, ngặt bước trên hoạn đồ, ngoại
tứ tuần mà tóc đã tám phần điểm bạc, mày rậm, mắt sáng, nhưng rưng rưng như ướt
một màn sương u uất. Chiếc áo lụa tím thẫm cắt khéo, tôn dáng người thanh thoát,
khác với phần nhiều đám người ô trọc, vàng bạc lụa là bó cứng thân hình nung
núc mỡ. Mọi thứ ở người khách này vừa rõ ràng vừa mơ hồ, như một câu đố tưởng dễ
mà khó. Cầm nữ buông lời thăm dò: “Thật vinh hạnh được Nguyễn tiên sinh ghé chơi.
Dám hỏi, ngài cần gì mà mấy lần tìm thiếp vào lúc khuya khoắt này?”.
Nguyễn vẫn ngồi yên, cúi mặt. Chén trà pha không uống, hơi khói thơm
đã tàn. Trong thuyền, chỉ còn thoảng mùi hương của một loài hoa không rõ tên. Lâu
lắm, Nguyễn mới dè dặt lên tiếng: “Ta muốn nghe một khúc đàn”. Cầm nữ cười
khẩy: “Ngài là ai trong đời này để thiếp chọn khúc tương hòa?”. “Phải chọn ư?”.
“Chắc vậy! Nhiều người chỉ thích nghe loại nhạc hạ đẳng”. “Dám hỏi, thế nào là
nhạc hạ đẳng?”. Cầm nữ bật cười: “Dễ dãi, ngọt ngào, khi vui, nhạc rổn rảng
tiếng cười, khi buồn, nhạc sướt mướt lời than, tình ý lộ ngoài ngũ âm”. “Dám
hỏi, thế nào là trung đẳng”. “ Tưởng gay gắt mà sau nồng nàn, như chén trà
ngon, đắng chát mà hậu ngọt, như rượu lạ sốc men tận óc nhưng thấm vào ngũ tạng
lại đê mê, mới nghe qua tưởng rầu rĩ ê chề nhưng dứt tiếng lại cảm được tình
sâu điệu lạ”. “Vậy còn thế nào là thượng đẳng?”. Cầm nữ lắc đầu: “Thế gian mấy người biết đàn,
biết nghe, dám đàn, dám nghe. Phía tây có ngọn núi chống trời, tùng bách sống
ba nghìn tuổi, tàng cây cao tận mây xanh. Con chim lạ, sải cánh dài chục trượng
làm tổ trên cây, lắng nghe tiếng gió thổi, thông reo suốt ba nghìn ngày rồi
tính linh kỳ điểu hoát nhiên tự ngộ. Chim vừa cất huyền âm liền có sấm động ở
chân trời. Kẻ vô tình không nghe được thứ
âm thanh không có âm thanh; ai hữu tình nghe phải thì bão nổi trong lòng, tổn
thương tâm mạch, huyết ứ trong trái tim khi chết sẽ hóa thành ngọc tía”.
Nguyễn gật gù rồi chợt nói: “Cả kinh thành đồn rằng nàng biết Tử huyền
khúc! Có đúng vậy chăng?”. Cầm nữ trân trối nhìn khách, thốt nhiên, cất tiếng
ho rũ rượi. Dứt cơn ho, liền nói một hơi dài: “Chỉ là lời đồn! Thiếp không biết
khúc nhạc huyễn hoặc đó!”. Nguyễn buồn thiu nhìn trời đêm qua cửa sổ thuyền,
gương mặt cúi xuống, tối thẫm, vài sợi tóc bạc lất phất trong gió bắt ánh sáng
từ ngọn đèn cứ lấp lánh như sợi lân tinh. Không khí chùng lặng. Ngọn bấc đang
cháy trong đĩa dầu hao phát ra những tiếng lách tách như tiếng vỡ của lá khô
trong bàn tay vò nát.
Cầm nữ bối rối! Nỗi thất vọng không cùng trên gương mặt khách bị
bóng tối âm thầm che giấu khiến nàng thấy mình thành kẻ thô vụng đã vô tình
chạm mạnh vào một vật thể mỏng manh. Giọng nàng dịu lại đôi phần: “Thiếp khuyên
ngài đừng nghe! Chẳng lẽ ngài chưa từng biết khúc nhạc đáng sợ đó sao? Một người
cung nữ hận tình đã viết ra nó trong cấm cung, 49 ngày đêm hoà máu và nước mắt
cùng với lời nguyền: Ai nghe khúc đàn sẽ điên loạn, khóc đến đứt ruột mà chết”.
Nguyễn nói mà vẫn nhìn ra
ngoài dòng sông như thầm thì với ai đó: “Ta biết! Nhưng ta đang muốn chết. Ta
van nàng. Tuần trăng sau, ta sẽ đi xa, cũng có lẽ không trở về. Ta không muốn đi!
Nếu phải đến nơi xa xôi mà chưa được nghe khúc tuyệt kỹ thì ta vẫn chết mà không
đành nhắm mắt!”. Cầm nữ mệt nhọc khoác tay: “Xin tiễn ngài về nghỉ! Thiếp không
thể! Thiếp không biết khúc đàn ấy!”. Con hầu gái như đã chực sẵn bước ra. Nguyễn
nặng nề đứng dậy, mắt vẫn không rời cầm nữ trong lúc nàng lại quặn người với
con ho ập đến.
Đã sang canh tư lúc Nguyễn về
đến nhà. Dinh thự Cần chính điện đại học sĩ Nguyễn hầu lặng lẽ giấu mình trong
bóng tối, hiu hắt vài ngọn đèn lồng treo cao. Cửa sổ thư phòng mở ra bãi sông,
nơi Nguyễn có thể lắng nghe tiếng thở của
lau sậy, tiếng mái chèo quẫy nước, tiếng ai hò mái nhì từ con thuyền côi cút giữa
sông. Đêm nay, Nguyễn lại mất ngủ. Những câu thơ chớm hiện đã bị lửa trong gan
ruột thiêu cháy. Chúng vụng về như nước đi ngớ ngẩn trong ván cờ định mệnh chỉ
bởi vì Nguyễn đã thấy trước cảnh người ông yêu thương gieo mình xuống dòng sông
nhưng không nghe được tiếng đàn của nàng. Nó réo rắt, bi thương đến độ nào để
gương mặt sắt của tướng quân họ Hồ phải ngây dại, rơi châu, nhăn mày?? Nguyễn
không biết! Nguyễn không viết được! Bao đêm rồi, Nguyễn bẻ bút, xé toạc những câu
thơ dễ dãi vừa viết. Nguyễn vật vã nói mê trong lúc thức và khóc trong giấc ngủ
mệt nhoài, văng vẳng tiếng thì thầm của kẻ giấu mặt nào đó trong ông: “Khúc Tử
huyền”. Tuyệt đỉnh của sự huyền diệu là cái chết. Nguyễn sẵn sàng chết, thanh
thản mà chết nhưng chỉ sau khi viết xong những câu thơ tả nỗi ai oán tột cùng…
Nguyễn lại ra đi! Con thể nữ lại đứng ngoài đầu thuyền khuyên ông trở
về. “Hãy cho ta gặp! Ta chỉ nói một câu thôi, rồi về”. Cửa thuyền lại mở. Đón Nguyễn
vẫn là người cầm nữ nổi tiếng tài hoa bậc nhất kinh thành. Nàng có vẻ tiều tụy
hơn đêm trước, gương mặt nhợt nhạt, nước mắt còn giàn giụa như vừa trải qua cơn
ho xé ngực: “Nguyễn tiên sinh, thiếp van ngài! Thiếp không biết đàn khúc Tử huyền!
Đừng phí thời gian!”. Nguyễn buột miệng nói, trầm tĩnh mà cương quyết: “Ta muốn
đọc thơ ta cho nàng nghe”. “Thơ ư?”- Cầm nữ ngẩn người rồi bật cười sặc sụa, một
tay ôm ngực, một tay với lấy trong ống quyển những cuộn giấp thếp vàng- “Thơ ư?
Thiếp ngán tận cổ cái thứ thơ sống sít, rác rưởi, ăn mày cổ nhân của đám rởm đời.
Đây, chúng đây này, nhiều vô kể”. Những cuộn giấy rơi xuống, nhẹ tênh, rời rã,
nhàu nát. Nguyễn vẫn nhìn cầm nữ, ánh mắt vừa nài nỉ vừa thuyết phục. Nàng thôi
cuời, khoác tay: “Thôi, ngài đọc đi, vài câu thôi!”. Nàng vừa dứt tiếng, Nguyễn
đã tiếp liền: “Trăm năm trong cõi người
ta- Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau- Trải qua một cuộc bể dâu- Những điều
trông thấy mà đau đớn lòng”.
Cầm nữ thoáng giật mình. Nàng dè dặt nhìn Nguyễn, giọng nói chùng hẳn:
“Ngài đã từng thấy điều gì nên nỗi đau đớn lòng?”. Nguyễn trầm ngâm: “Ta thấy
những gương mặt vàng võ, bệ rạc, những thành quách vàng son giờ chỉ còn lại phế
tích úa màu, những phen bão tố cuốn mảnh thân chiếc lá về đâu, những bình minh tỉnh
giấc trong tê tái, những hoàng hôn dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh phủ trên mộ
kẻ đeo kiếp đoạn trường…”. Cầm nữ cúi đầu ủ dột: “Đọc tiếp đi! Thiếp muốn nghe
thơ ngài”…
Nguyễn nhìn cầm nữ, ánh mắt thoáng chút phân vân. Nàng giết thơ ông
hay làm thơ ông sống mãi? Nàng là tri âm hay cũng chỉ là kẻ vô tình? Làm sao Nguyễn
biết được nếu không dám đặt cược bằng cả thơ mình, đời mình? Vậy thì, Nguyễn sẽ
đọc cho nàng nghe. Thơ Nguyễn moi ra từ gan ruột, trí não, đay nghiến những phi
lý vô thường; từng dòng run rẩy như hơi thở kẻ đang yêu đêm thề nguyện, nghẹn
uất như tiếng khóc vô thanh của đóa hoa tinh khiết bị quăng quật, vùi dập trong
bùn nhơ. Ba ngày ba đêm, chiếc thuyền cứ trôi trên sông, trôi trong trăng, trong
thơ, trong tiếng ho đau đớn chen lẫn với tiếng rên rỉ hoan lạc. Ba ngày ba đêm,
Nguyễn và cầm nữ không rời thuyền, rời giường. Người đọc say sưa đọc. Người
nghe lặng lẽ nghe, đôi mắt ráo hoảnh nhìn qua ô cửa sổ thuyền. Những ý niệm về
thời gian trở thành mơ hồ, chỉ thấy ngoài kia, có khi bầu trời lóa nắng và sông
Hương rất xanh; có khi sương giăng mù mịt, bóng núi, bóng trăng lạnh lẽo như cõi
u minh.
Đêm thứ ba, người đọc thơ bỗng nhiên dừng lại, cũng đột ngột như khi
bắt đầu. Cầm nữ tỉnh cơn mê: “Đã hết rồi ư?”. Nguyễn lã người, mặt tái mét, lời
nói thều thào: “Chưa! Nhưng ta không viết được nữa! Ta không biết, không tả nổi
tiếng đàn cực điểm của niềm bi thương, tuyệt vọng. Chao ôi, nghệ thuật chẳng lẽ
không bao giờ đạt tới chỗ tận cùng? Ta xin nàng. Dù phải chết, ta cũng nguyện
một lần được nghe khúc Tử huyền!”. Nguyễn nghẹn ngào. Những sợi tóc bạc trắng
của ông lòa xòa trong gió đêm. Vầng trán ông cúi thấp hằn mấy nếp nhăn hệt như
ông đang gắng sức nuốt chén thuốc đắng. Mắt ông đau đáu, khẩn thiết một ánh
nhìn.
Cầm nữ quay mặt đi, mắt nhòa lệ. Nàng đã hiểu vì sao Nguyễn đến đây,
trải gan ruột, nguyện làm người thơ, người tình cùng nàng. Chưa bao giờ trong
đời, nàng lại gặp một kẻ tha thiết được nghe khúc nhạc chết chóc tới mức sẵn
sàng dọn mình cho cuộc đi vào cõi vĩnh hằng bằng nụ cười thanh thản đến vậy. Nguyễn
chẳng tiếc đời tài hoa để tận hiến cho thơ, nàng há lại tiếc đời mình cho một
lần tấu lên khúc đàn tuyệt kỹ? Chỉ buồn thay duyên cơ ngộ ngắn ngủi! Sau khúc
nhạc này, còn ai là người tri âm?
Ý đã quyết, cầm nữ với tay lấy đàn, bắt đầu nắn phím. Những ngón tay
lướt nhẹ trên đàn, lúc thanh thoát, chấp chới như cánh bướm, lúc chậm rãi, ma
mị như thứ phù phép hàm chứa những ẩn dụ bí hiểm. Thoạt tiên, tiếng đàn cất lên
mang hình hài sống động của một thực thể siêu linh sinh ra nhờ ma thuật. Nghe
có tiếng cỏ than rả rích, tiếng xé dải lụa thắt cổ người, tiếng nấc tức tưởi
ầng ậc trong cổ họng bị xiết chặt, tiếng da thịt bật máu dưới ngọn roi ghen,
tiếng kể lể nỗi hận khó hỏi trời của vần thơ quặn cháy trong lửa, tiếng thầm
thỉ của oan hồn dưới giếng sâu, tiếng mũi tên xé gió cắm phập vào tim người,
tiếng sóng sông Tiền Đường hầm hừ sủi bọt, … Ngần ấy âm thanh cuộn tròn thành con
trốt dữ xoáy thốc bụi cát tỏa lên không trung những ảo ảnh kỳ dị, những nguy
nga đại nội, tráng lệ đền đài, những bậc đá rêu phong, tường thành lở loét,
những tượng cũ, mồ hoang sống mấy trăm năm cuộc đời trầm tích trong mưa dầm…
Nguyễn bị thôi miên, mắt mở trừng trừng, ngây dại. Nguyễn mụ mị
khóc, ngơ ngẩn cười. Ma nhập vào Nguyễn hay Nguyễn nhập vào ma? Nguyễn đã chết
sau khi nếm trải tận cùng cơn vật vã hành xác trong cuộc hiến tế thiêng liêng
hay những oan hồn của khúc Tử huyền vừa sống lại quẫy đạp, gào thét trong ông? Nguyễn
không biết! Chỉ thấy ánh chớp lóe sáng cháy mắt, cát bay đá chạy, thân thể bị
quăng quật, bứt xé trong cơn bão âm thanh mù mịt đất trời. Nhưng lạ thay, chính
lúc Nguyễn thấy hơi thở sắp cạn kiệt trong cơn đau vô bờ thì thốt nhiên, cơn
bão chợt tan vào thinh không và tiếng gào rú oan hồn cũng chỉ còn lại chút dư
vọng mơ hồ. Nguyễn thở hắt ra như người từ cõi chết trở về…
Ngoài kia, dòng sông lặng ngắt. Trong thuyền, bóng tối quến đặc lại,
bao phủ quầng sáng leo lét từ ánh đèn sắp tàn. Nguyễn khêu cao ngọn bấc rồi lập
cập đỡ thân hình dịu oặt của cầm nữ dựa vào lòng mình. Mặt nàng trắng bệch, mắt
nhắm nghiền, quầng thâm, hơi thở chỉ còn nhẹ như sương khói và từ đầu mấy ngón
tay, những giọt máu nhỏ xuống thấm đỏ phím đàn. Nguyễn run run nâng những ngón
tay đẫm máu đặt vào ngực mình, bật khóc. Cầm nữ gượng mở mắt nhìn Nguyễn, khó
nhọc nở một nụ cười mãn nguyện: “Thiếp quên nói với ngài rằng: Nếu muốn người
nghe khúc Tử huyền thoát khỏi cái chết thì người đàn phải đổi lại bằng mạng
sống của mình. Xin ngài đừng khóc! Có sao đâu! Thiếp đã trả cái giá quá hời để
tiếng đàn thiếp sống mãi cùng thơ ngài ”…
***
Ngày Nguyễn ra đi, kinh đô chìm trong cơn mưa
bụi màu trắng sữa, thoang thoảng mùi trà thơm ướp một loài hoa không rõ tên.
Nguyễn ngoái lại nhìn dòng Hương, chợt thấy một cánh bướm vàng vừa chấp chới
quanh kiệu sứ giả đã vụt bay xa, hóa thành bóng chiếc thuyền đang trôi trên
sông cùng hướng đi với đoàn người. Nguyễn ứa nước mắt, đọc lời thơ đáp tạ hồn
ai đã theo đưa mấy dặm trường đình: “Một
cung gió thảm mưa sầu- Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”.
NGUYỄN KIM CHÂU
Đã đăng tuần báo Văn Nghệ
Hội Nhà văn Việt Nam số 42, 17/10/2015
Tranh minh họa của Phạm Hà Hải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét